Xác định trọng điểm để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại (15:25 17/01/2024)


HNP - Sáng 17/1, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả


Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, lãnh đạo các sở, ngành, thành viên 2 Ban Chỉ đạo 138 và 389 của Thành phố dự Hội nghị.
 
Theo Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ, năm 2023 dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của MTTQ, đoàn thể các cấp và sự ủng hộ của nhân dân, công tác phòng, chống tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
 
Các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm. Chủ động tham mưu, đề xuất Đảng, Chính phủ chỉ đạo sơ kết, tổng kết nhiều chuyên đề và kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm. Tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm; tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; vận động, tổ chức xây dựng, cải tạo, sửa chữa hàng ngàn ngôi nhà cho các hộ dân nghèo, qua đó tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân và ổn định tình hình an ninh, trật tự, nhất là tại các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm nổi lên, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động cưỡng đoạt tài sản, tội phạm liên quan lĩnh vực kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy; tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được đẩy mạnh. Các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời.
 
Về hoạt động của Ban Chỉ đạo 389, năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, công điện, chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; phối hợp nắm tình hình, triển khai giải pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thi đua, khen thưởng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 
 
Kết quả năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ). Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,73% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ); 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 48% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước 14.570,347 tỷ đồng (tăng 14,97% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05% so với cùng kỳ), 724 đối tượng (tăng 0,56% so với cùng kỳ).
 
Riêng thành phố Hà Nội trong năm 2023 đã phát hiện, bắt giữ 3.229 vụ vi phạm về buôn lậu, 1.579 vụ vi phạm về hàng giả, 21.727 vụ vi phạm về gian lận thương mại. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước 4.307 tỷ đồng (tăng 15,78% so với cùng kỳ).
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tham luận tại Hội nghị
 
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Năm 2024, theo dự báo, tình hình trật tự, an toàn xã hội tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, một số tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng, nhất là tội phạm lợi dụng công nghệ cao, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của Nhân dân. Để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra Ban Chỉ đạo 138 Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thành viên Ban Chỉ đạo 138 Thành phố tham mưu, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương về công tác phòng, chống tội phạm. Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết liên tịch, Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; Nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong trao đổi thông tin, hỗ trợ lực lượng, phương tiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm. 
 
Chủ động công tác nắm tình hình, triển khai các biện pháp phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là chú trọng công tác nắm tình hình từ cơ sở, phát hiện và giải quyết kịp thời, triệt để những vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường,… nhằm kiềm chế, làm giảm số vụ phạm pháp hình sự và các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. 
 
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. Tập trung thực hiện các kế hoạch, tăng cường các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm và các điều kiện, nguy cơ phát sinh tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, không để tội phạm lộng hành, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh. Tập trung đấu tranh, triệt phá tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm xâm phạm sở hữu... Đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm ma túy, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, khai thác tài nguyên cát, sỏi lòng sông trái phép.
 
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh, trật tự; duy trì công tác tuần tra mật phục, kiểm soát hành chính khép kín địa bàn, nhất là các địa bàn giáp ranh, phức tạp về an ninh, trật tự. Đặc biệt duy trì và nâng cao hiệu quả các tổ công tác 141, 142 của Công an Thành phố; Tăng cường công tác truy tố, xét xử các vụ án hình sự, xác định và đưa các vụ án điểm ra xét xử để phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe, góp phần phòng ngừa tội phạm; Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với các phong trào, cuộc vận động khác như: phong trào thi đua yêu nước; phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình phòng, chống tội phạm ở cơ sở.
 
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2024.
 
Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận Hội nghị
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia các cấp đã đạt được trong năm 2023. Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt kết quả cao, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Từng bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữ phòng ngừa xã hội và phòng ngừa tội phạm. Phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật.
 
Củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong công tác phòng, chống tội phạm. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ Nhân dân, bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao đang ngày một tinh vi.
 
Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác của đơn vị, địa phương mình quản lý.

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t