Giao ban công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (10:33 04/10/2018)


HNP - Chiều 3/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì hội nghị giao ban công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 trên địa bàn thành phố theo tinh thần Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị


Đến nay, 100% các huyện, quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây đã chủ động rà soát, xác định nhu cầu, ngành, nghề đào tạo cho lao động nông thôn năm 2018 và xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Cụ thể, tính đến cuối tháng 9, các địa phương đã tổ chức đặt hàng đối với 32 cơ sở đào tạo (8 trường Cao đẳng, 7 trường Trung cấp, 10 trung tâm và 17 loại hình cơ sở khác) để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 
 
Cũng trong 9 tháng, toàn Thành phố đã tổ chức 393 lớp đào tạo nghề cho 13.643 lao động nông thôn, đạt 56,85% so với kế hoạch đã đề ra. Theo đó, nghề nông nghiệp thu hút 8.946 người tham gia chiếm 67,65%; nghề phi nông nghiệp tổ chức 136 lớp với 4.697 người tham gia, chiếm 32,35%. Các đối tượng tham gia đào tạo nghề tập trung vào đối tượng hưởng chính sách người có công với Cách mạng, dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo, người khuyết tật, lao động nữ bị mất việc làm… Dự kiến, 3 tháng cuối năm 2018, các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho 8.640 lao động nông thôn. Nâng kết quả thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn dự kiến năm 2018 lên 22.283 người, đạt 92,85% so với kế hoạch.
 
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó, vẫn còn cơ sở tổ chức đào tạo chưa đúng tiến độ công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn như: Lực lượng lao động nông thôn trong độ tuổi học nghề ngày càng giảm; nhu cầu học nghề bị phân tán; doanh nghiệp tuyển dụng làm phi nông nghiệp thấp…
 
Tại hội nghị, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các quận, huyện, thị xã, tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong giải quyết việc làm, huy động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, sự đóng góp của người học trong quá trình học nghề. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, rút kinh nghiệm xem ngành, nghề nào phù hợp với nhu cầu của người học thì đề xuất nhân rộng; những ngành, nghề không còn phù hợp nên thay thế bằng ngành, nghề đào tạo khác.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý lưu ý các ngành, địa phương tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề, đồng thời, tổ chức đào tạo các nghề sát với năng lực, nhu cầu của người học cũng như nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; tuyệt đối không tổ chức dạy nghề theo kiểu "đánh trống ghi tên". Phó Chủ tịch nhấn mạnh, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cần được tiến hành từ bậc trung học cơ sở, giúp học sinh hiểu rõ nhu cầu của thị trường, năng lực của bản thân, từ đó, chủ động lựa chọn những công việc phù hợp. Đặc biệt, lãnh đạo Thành phố đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương nghiên cứu bổ sung thêm một số ngành, nghề đào tạo, chẳng hạn như nghề giúp việc gia đình; rút ngắn thời gian đào tạo đối với một số ngành nông nghiệp; tiếp tục triển khai và nghiên cứu những mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp có hiệu quả. Ngoài ra, đối với các quận, huyện, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đặc biệt đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t