10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:


Bài 10: An sinh xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét (09:22 27/07/2018)


HNP - Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội Khóa XII, Thành phố Hà Nội luôn quan tâm dành nguồn lực để chăm lo các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, các chính sách, giải pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 8,43%, đầu năm 2009, xuống còn 1,69% cuối năm 2017. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.  

Lãnh đạo Thành phố thăm gia đình thương binh Nghiêm Văn Hùng, quận Hà Đông


Ngay sau khi hợp nhất, Thành phố Hà Nội đã khẩn trương rà soát, kịp thời ban hành nhiều văn bản để đảm bảo sự thống nhất, công bằng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Tính từ 2008 đến nay, đã ban hành 70 văn bản quy phạm pháp luật quy định chính sách bảo trợ xã hội, dạy nghề, ưu đãi người có công với cách mạng, cai nghiện... Trong đó có nhiều chính sách đặc thù mà Trung ương chưa có quy định, hay mức hỗ trợ của Hà Nội cao hơn so với chính sách của Trung ương quy định, cụ thể như: Cấp thẻ xe buýt miễn phí cho người có công, người khuyết tật; trợ cấp hàng tháng cho cựu thanh niên xung phong sống cô đơn, không nơi nương tựa; trợ cấp hàng tháng cho cán bộ hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày có hoàn cảnh khó khăn; nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; hỗ trợ khuyến khích hỏa táng; hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện; trợ cấp hàng tháng cho người già yếu không có khả năng lao động là thành viên trong gia đình thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 100% đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo và người bị bệnh phong;... 
 
Như vậy, với việc triển khai thực hiện tốt các chính sách, an sinh xã hội. Đặc biệt, các chính sách, giải pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 8,43% đầu năm 2009 xuống còn 1,69% cuối năm 2017. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã quan tâm huy động nguồn lực tài chính để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đáp ứng nhu cầu cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến 31/12/2017, Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố quản lý 6.390 tỷ đồng, tăng 4.559 tỷ đồng so với thời điểm năm 2008. Từ 7 chương trình cho vay hiện nay đã thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 6.340 tỷ đồng với 287 nghìn hộ đang còn vay vốn. 
 
Việc thực hiện chính sách, chăm lo đời sống đối với người có công luôn được chú trọng, phong trào Đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội, góp phần không nhỏ vào việc chăm lo, nâng cao đời sống người có công. Đến nay, 100% gia đình người có công với cách mạng của Thủ đô đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi sinh sống. Không có hộ chính sách thuộc diện nghèo. Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 8.589 ngôi nhà cho người có công với cách mạng với tổng kinh phí 971,8 tỷ đồng, hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 4.046 hộ nghèo trong năm 2018.
 
Mặc dù chịu tác động của suy giảm kinh tế, song với việc đẩy mạnh các giải pháp tạo việc làm, trong giai đoạn này số người được giải quyết việc làm trung bình hàng năm đạt khoảng 140 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp tại Hà Nội vào thời điểm 1/4/2009 là 3,18% (khu vực thành thị: 4,36%, nông thôn: 2,5%), đến cuối năm 2017 giảm xuống 2,44% (khu vực thành thị: 3,12%, nông thôn: 1,7%). Quản lý nhà nước về thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội được tăng cường. Việc chấp hành pháp luật lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, quan hệ lao động được cải thiện rõ rệt. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động tiếp tục được đẩy mạnh với việc tăng cường hoạt động của 2 sàn giao dịch việc làm đã có, đưa vào hoạt động 2 sàn giao dịch và 7 điểm giao dịch việc làm vệ tinh mới.
 
Công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm đầu tư. Thành phố đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 2 trường cao đẳng nghề chất lượng cao. Công tác xã hội hóa dạy nghề tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn có 370 cơ sở dạy nghề (125 cơ sở công lập, 245 cơ sở ngoài công lập). Trung bình mỗi năm các cơ sở này đào tạo khoảng 147.500 người, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 27% năm 2008 lên 60,66% năm 2017. Chất lượng đào tạo nghề dần được cải thiện. Đoàn học sinh Hà Nội luôn đứng thứ nhất, nhì toàn đoàn tại Hội thi tay nghề quốc gia và đạt giải cao tại Hội thi tay nghề ASEAN. Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã từng bước dịch chuyển theo yêu cầu của thị trường lao động. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới cũng được triển khai tích cực, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, chăm sóc và trợ giúp kịp thời, bước đầu đã nâng cao nhận thức của xã hội về bất bình đẳng giới.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t