Ba Vì: Phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa (08:50 06/01/2017)


HNP - Là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi gia súc lớn, trong đó có bò sữa, trong những năm qua, tổng đàn bò sữa của huyện Ba Vì liên tục tăng, từ đó, giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Sản xuất, chế biến sữa tại Công ty CP sữa Ba Vì


Ba Vì là huyện thuộc vùng bán sơn địa, nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội. Huyện có tổng diện tích 42,2km2, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12.515 ha. Thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của Thành phố, UBND huyện đã xây dựng Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ba Vì đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như sản xuất lúa, cây lương thực ở các xã ven sông, vùng trọng điểm chăn nuôi bò sữa và bò thịt tại 7 xã miền núi và các vùng bãi; vùng chăn nuôi lợn, gà tại các xã vùng gò, đồi…
 
Trong những năm qua, ngành chăn nuôi bò sữa của huyện Ba Vì không ngừng phát triển. Năm 2010, tổng đàn bò sữa của huyện là 2.950 con thì đến tháng 6/2015 tăng lên 9.300 con, đây cũng là thời điểm tổng đàn bò sữa của huyện đạt mức cao nhất. Tuy nhiên, từ tháng 6/2015 đến nay, do giá sữa xuống thấp nên số lượng đàn bò sữa của huyện giảm. Tính đến tháng 11/2016, tổng đàn bò sữa của huyện là 7.630 con (chiếm 65% tổng đàn bò sữa toàn Thành phố), sản lượng sữa đạt 24,5 nghìn tấn. Toàn huyện có 20 xã chăn nuôi bò sữa, trong đó, tập trung chủ yếu ở 3 xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh. Chất lượng đàn bò sữa Ba Vì từng bước được cải tiến, giống bò chủ yếu là bò lai HF, bò trưởng thành chiếm 75% tổng đàn, trong đó, đang cho sữa chiếm 64% và năng suất bình quân 14-15kg sữa/ngày.
 
Việc chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện chủ yếu theo hình thức nông hộ gia đình, với khoảng 1.600 hộ chăn nuôi bò sữa. Nếu như năm 2010 bình quân mỗi hộ nuôi 2-3 con thì đến nay đã có sự liên kết, đầu tư phát triển chăn nuôi, bình quân mỗi hộ tăng lên 5-6 con, một số hộ có quy mô từ 20-30 con. Chăn nuôi bò sữa những năm qua đã trở thành nghề cho thu nhập khá, nhiều hộ có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên chính quê hương mình.
 
Trên địa bàn huyện có 2 đơn vị thu mua sữa chính là Công ty CP sữa Quốc tế IDP (thu mua 80% lượng sữa của nhân dân) và Công ty CP sữa Ba Vì (thu mua từ 10-12% sản lượng), số còn lại người chăn nuôi bán nhỏ lẻ, phục vụ khách du lịch. Giá sữa thu mua đạt bình quân hiện nay 9.500 - 10.000 đồng/kg. Trong những năm qua, việc áp dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa được quan tâm đầu tư, đến nay, 85% số hộ sử dụng máy thái cỏ, 65% số hộ sử dụng máy vắt sữa và máng ăn tự động; 70% số hộ sử dụng hệ thống làm mát cho bò sữa. Hiện, tổng diện tích trồng cỏ và thức ăn chăn nuôi cho bò đạt 310ha (tăng 50% so với thời điểm năm 2010).
 
Tuy nhiên, do việc chăn nuôi bò sữa của huyện Ba Vì mang tính nhỏ lẻ, thủ công và theo quy mô hộ gia đình dẫn đến năng suất, chất lượng vật nuôi còn hạn chế. Các trang trại bò sữa, bò thịt đã được hình thành nhưng chưa được nhân rộng, chưa hình thành các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn; tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn tồn tại và chưa xử lý triệt để. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế. Việc tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ người chăn nuôi còn gặp khó khăn…
 
Đặc biệt, tình trạng giá cả vật tư đầu vào tăng cao, trong khi giá thu mua sữa nguyên liệu từ năm cuối năm 2015 đến nay liên tục giảm nên người chăn nuôi không có lãi hoặc lãi không cao, dẫn đến tâm lý không muốn phát triển đàn bò sữa hoặc chuyển đổi vật nuôi, vì vậy, tổng đàn bò sữa của huyện sụt giảm 18%. Theo ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, là địa phương có tổng đàn bò sữa lớn nhất huyện Ba Vì, giai đoạn cao điểm năm 2013 lên đến 3 nghìn con, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 2 nghìn con bò sữa. “Nhìn tình trạng đàn bò sữa từng là nền kinh tế chủ lực của xã ngày một teo tóp đi, chính quyền địa phương rất đau xót, chỉ biết tuyên truyền, vận động nhân dân cố gắng cầm cự để vượt qua giai đoạn khó khăn về giá sữa như thời điểm hiện nay”, ông Bùi Văn Quân cho hay. Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cũng cho rằng, quy mô đàn bò sữa của mỗi hộ gia đình nên từ 5-7 con thì mới có lãi, tốt nhất là 8-10 con/hộ thì mới có điều kiện để tái đầu tư, phát triển đàn bò.
 
Còn theo ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP sữa quốc tế IDP, giai đoạn vừa qua là thời điểm giá sữa chạm đáy, ở những nước khác có nơi giá sữa giảm tới 50%, do đó, những khó khăn mà người chăn nuôi bò sữa Ba Vì gặp phải cũng là khó khăn chung của ngành sữa tươi trong nước và thế giới. Đại diện Công ty CP sữa quốc tế IDP và Công ty CP sữa Ba Vì – 2 đơn vị thu mua sữa của nhân dân Ba Vì cũng cung cấp những tín hiệu vui, đó là từ nay đến cuối năm sẽ nâng quy mô sản xuất, tăng giá mua sữa bình quân cho người chăn nuôi lên 4-5%, lên khoảng trên 11 nghìn đồng/kg và cho biết trước những tín hiệu tích cực của thị trường sữa, dự kiến, vào đầu năm sau, giá thu mua có thể tăng cao hơn, giúp người chăn nuôi có lãi và phát triển sản xuất.
 
Tại buổi làm việc với huyện Ba Vì và các đơn vị thu mua, chế biến sữa trên địa bàn huyện vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi bò sữa huyện Ba Vì, ngăn chặn những tác động xấu ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung và đời sống người dân nói riêng, Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì và các xã thuộc huyện cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người nông dân, doanh nghiệp có nhận thức đúng đắn về chăn nuôi bò sữa phát triển theo quy hoạch, bảo đảm sản xuất hàng hóa bền vững. Kịp thời khắc phục một số bất cập trong khâu lựa chọn giống, vệ sinh môi trường, quy mô sản xuất; xây dựng tiêu chí về hộ chăn nuôi bò sữa, những hộ không đủ điều kiện thì định hướng sang chăn nuôi bò thịt và các loại vật nuôi khác để phát huy lợi thế của địa phương.

Đồng chí Đào Đức Toàn cũng đề nghị các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa cần xác định việc chăn nuôi của bà con là 1 bộ phận trong dây chuyền sản xuất, cấu thành sản phẩm. Chính vì thế, ngoài việc phát triển công nghệ sản xuất của chính mình, các doanh nghiệp trên địa bàn phải giúp bà con có phương thức sản xuất tốt, nhất là về kỹ thuật, quy trình chăn nuôi; thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn bà con chăn nuôi đảm bảo chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, phải gắn bó, chia sẻ với những khó khăn của người chăn nuôi, phối hợp chặt chẽ để phát triển nguồn cung nguyên liệu bền vững.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t