Tiếp xúc cử tri chuyên đề về tổ chức quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư (14:58 20/12/2016)


HNP - Sáng 20/12, tại Sở Xây dựng, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về tổ chức quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị


Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay, thành phố có 173 tòa nhà chung cư tái định cư (do Nhà nước đầu tư xây dựng) đã bàn giao và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, thực tế, công tác quản lý, sử dụng các tòa nhà này còn nhiều bất cập kéo dài như còn 103 tòa nhà không có nhà sinh hoạt cộng đồng; nhiều tòa nhà xuống cấp nhanh; chỉ có 119 tòa nhà có diện tích kinh doanh dịch vụ; 54 toàn nhà không có diện tích kinh doanh dịch vụ - theo thiết kế là chỗ để xe, phòng kỹ thuật; số Ban Quản trị được thành lập còn rất ít... 
 
Cử tri Vũ Thị Nấm ở nhà chung cư C10, ngõ 28 Xuân La phản ánh cư dân sau khi tái định cư ở tòa nhà từ tháng 10/2006 đều ủng hộ thành lập Ban Quản trị tòa nhà. Tuy nhiên hiện nay cử tri vẫn còn băn khoăn và đề nghị được giải thích rõ hơn về việc sử dụng quỹ bảo trì 2%, trước đây đã làm những gì và hiện tại còn bao nhiêu?
 
Chia sẻ những bức xúc của cử tri, ông Hoàng Bình Minh, Trưởng Ban Quản lý tòa nhà công sở - Sở Xây dựng (1 trong 3 đơn vị được thành phố giao quản lý các tòa nhà tái định cư) cho biết, phần lớn người dân ủng hộ việc thành lập Ban Quản trị. Ông Minh chia sẻ cách làm của Công ty mình là ở từng tòa nhà, Ban quản lý đã mở từng tài khoản quỹ bảo trì. Khi có Ban quản trị, sẽ bàn giao số tiền cả lãi để Ban quản trị sử dụng theo đúng quy định. Về chất lượng công trình, Ban Quản lý tòa nhà công sở không nhận bất kỳ công trình nào không đảm bảo điều kiện về chất lượng, PCCC...
 
Theo đại diện Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, mức thu phí để vận hành cơ bản theo khảo sát phải từ 4 đến 5.000 đồng/m2, nhưng hiện vẫn phải thu mức 500 đồng/m2 (30.000 đồng/hộ) như trước đây làm đơn vị rất khó khăn. Ở 18 tòa nhà khu tái định cư Nam Trung Yên - nơi Tổng Công ty đang thực hiện quản lý, mỗi tháng phải bù 600 triệu kinh phí vận hành. Sau 3 năm phải bù lỗ hơn 20 tỷ đồng, mà không có cơ chế quyết toán.
 
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan trọng nhất là phải thành lập được Ban Quản trị các tòa nhà. “Việc thành lập Ban Quản trị sẽ đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân. Khi đó, người dân sẽ có thêm kinh phí để Ban quản trị hoạt động bởi theo quy đinh, Ban quản trị sẽ quản lý điểm trông giữ xe đạp, xe máy; không gian sinh hoạt chung; và được trích một phần từ lãi kinh doanh ở tầng 1” - Phó Giám đốc Sở chia sẻ.
 
Đại diện Sở Tài chính khẳng định mức thu 30.000 đồng/hộ là không đủ để quản lý vận hành. Các đơn vị vận hành hiện đang phải sử dụng khoản thu mà thực tế phải nộp về Thành phố để hỗ trợ người dân. Hiện nay, Sở Tài chính đang phối hợp với Sở Xây dựng xây dựng dự thảo trình Thành phố về việc quyết định thu chi trong việc quản lý diện tích kinh doanh ở tầng 1. Theo đó, sau khi trừ các khoản chi phí, lãi một phần sẽ được trích lại cho đơn vị quản lý để bù chi phí hoặc Ban Quản trị tòa nhà (nếu đã thành lập). Ngoài ra, phần lãi còn lại sẽ được chuyển về Thành phố quản lý để bù đắp kinh phí sửa chữa cho các tòa nhà khác... 
 
Nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, nóng, bức xúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho rằng mỗi cán bộ cần phải đặt mình vào địa vị người dân mới thấy hết được. Lấy ví dụ về tòa nhà mình đang ở  B7 Kim Liên cũng thường xuyên hỏng hóc; Bầu Ban quản trị thì đại diện đơn vị quản lý không đến. Khi hàng trăm người dân họp rồi đề nghị lên không được công nhận, làm mất niềm tin của người dân... đồng chí Ngọ Duy Hiểu phân tích, một trong những nguyên nhân để tồn tại kéo dài là có sự né tránh vô cảm, thờ ơ của một số cán bộ công chức trước quyền lợi chính đáng của người dân. 
 
Đồng chí đề nghị 3 đơn vị quản lý nhà chung cư tái định cư hiện nay phải đánh giá lại công việc. Cụ thể là việc chấp hành pháp luật, là mệnh lệnh của nhà nước để lo cho dân; Việc gì làm tốt, mô hình hiệu quả cần phát huy; phối hợp chặt chẽ với các quận huyện tập trung công việc tổ chức bầu Ban quản lý tòa nhà, hoàn thành trước tháng 4 /2017; Phải làm tốt công tác vận động tuyên truyền nhân dân....

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t