Thành phố Hà Nội phát huy hiệu quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (08:32 01/07/2024)


HNP - Trong 10 năm qua, từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ban hành thì hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng phát huy hiệu quả. Đặc biệt, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy các cấp, cùng sự vào cuộc chủ động, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đã giúp nhiều hộ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và trong từng giai đoạn.

NHCSXH là địa chỉ vay vốn tin cậy cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác


Điểm tựa phát triển kinh tế
 
Thời gian qua, những chương trình tín dụng được thực hiện từ ngân sách địa phương ủy thác vốn qua NHCSXH đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn được hỗ trợ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, vươn lên ổn định cuộc sống. 
 
Cán bộ phòng NHCSXH huyện Ba Vì thăm mô hình nuôi bò của gia đình bà Nguyễn Thị Lân, thôn Pheo, xã Minh Quang
 
Bà Nguyễn Thị Lân, thôn Pheo, xã Minh Quang, huyện Ba Vì là một trong các hộ khó khăn được vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện Ba Vì thông qua tổ chức hội liên hiệp phụ nữ xã. Từ nguồn vốn vay bà Lân đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò và gà; đồng thời sắp xếp thời gian tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, để sản xuất được hiệu quả. Nhờ vậy, đến nay gia đình bà đã có cuộc sống khá hơn. Bà Lân chia sẻ "Thông qua tổ chức hội liên hiệp phụ nữ xã, bà đã được tiếp cận các nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH rất thuận tiện, việc làm hồ sơ đã được hướng dẫn chi tiết, cụ thể và nhanh chóng từ thôn đến chính quyền xã. Cán bộ ngân hàng CSXH huyện phê duyệt theo đúng tinh thần, chủ trương của Chính phủ, rất tạo điều kiện cho người dân".
 
Ông Cấn Văn Giáo ở xã Phú Kim, huyện Thạch Thất trước đây thuộc diện hộ khó khăn. Ông luôn có ý thức, ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đất quê hương mình. Nhưng mấy sào ruộng lúa hàng năm của gia đình ông may ra chỉ đủ ăn, trong khi tiềm năng chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương còn rất lớn, nhưng không có khả năng về vốn để đầu tư.
 
Vốn tín dụng chính sách giúp gia đình ông Cấn Văn Giáo vươn lên thoát nghèo, có điều kiện nuôi con ăn học
 
Trong khi loay hoay, trăn trở  thì được Đảng ủy, chính quyền địa phương, hội liên hiệp phụ nữ xã Phú Kim thông tin có nguồn vốn vay ưu đãi, ông Giáo đã mạnh dạn tiếp cận và vay vốn để phát triển sản xuất. Ngoài chương trình cho vay giải quyết việc làm ông còn được vay vốn hơn 100 triệu đồng chương trình học sinh sinh viên để cho ba con đi đại học. Các con ra trường đều có công ăn việc làm ổn định. Ông Giáo tâm sự: “Nguồn vốn vay từ chính sách ưu đãi thật sự tạo điều kiện, động lực cho gia đình tôi phát triển kinh tế. Từ khi có vốn đầu tư, gia đình bắt đầu có cơ hội thoát nghèo và vươn lên khấm khá, có điều kiện nuôi con ăn học, phát triển kinh tế gia đình...”.
 
Ông Nguyễn Kim Khôi, Tổ dân phố số 2, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm trước đây ông là công nhân phụ trách kỹ thuật ngành may mặc, không may bị tai nạn bị mất 1 chân. Năm 2008 ông nghỉ việc công ty về nhà mở công ty chuyên may cờ phướn, cờ hội, cờ tổ quốc các loại; chuyên dạy nghề và tạo việc làm cho lao động khuyết tật trên địa bàn. Năm 2016, thông qua hội Người khuyết tật của quận, ông được vay 50 triệu để mở rộng sản xuất. Năm 2022, thông qua hội liên hiệp phụ nữ phường Đông Ngạc, ông tiếp tục được vay 100 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn ấy, từ 6 máy may ban đầu, đến nay xưởng may của ông đã có trên 10 máy, công nhân làm không hết việc. 
 
Xưởng may của gia đình ông Nguyễn Kim Khôi, Tổ dân phố số 2, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm 
 
“Nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn vay NHCSXH đã là điểm tựa vững chắc và là động lực quan trọng giúp Tôi mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn, giúp cho họ có điều kiện tự lực vươn lên, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, và tự tin trong cuộc sống. Bản thân tôi, từ nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã sử dụng vốn vay hiệu quả đã phát triển kinh tế gia đình và các lao động khuyết tật, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ trong sâu thẳm đáy lòng mình, gia đình tôi luôn biết ơn sâu sắc đối vơi Đảng, Nhà nước, cảm ơn NHCSXH  quận Bắc Từ Liêm, hội liên hiệp phụ nữ phường Đông Ngạc, Tổ tiết kiệm vay vốn đã xem xét tạo điều kiện cho tôi được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.” - Ông Khôi vui mừng chia sẻ.
 
Giải pháp căn cơ để giảm nghèo nhanh và bền vững
 
Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự đổi mới về nhận thức, thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn. 
 
Xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố cũng như của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và trong từng giai đoạn, tín dụng chính sách xã hội đã và luôn được coi là một trong những giải pháp mang tính căn cơ, trọng điểm để triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, của từng địa phương về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. 
 
Gia đình chị Nguyễn Thị Nhung, hộ nghèo tại thôn Pheo, Xã Minh Quang, huyện Ba Vì được vay 50 triệu đồng để xây nhà
 
Việc triển khai tín dụng chính sách gắn với tạo lập nguồn vốn từ ngân sách địa phương được đưa vào Chương trình, Kế hoạch của Thành ủy, UBND Thành phố hàng năm và trong từng giai đoạn như: Chương trình số 02, Chương trình số 04, Chương trình số 08 và Chỉ thị số 06-CT/TU của Thành ủy, Kế hoạch giải quyết việc làm và Kế hoạch giảm nghèo của Thành phố hàng năm...
 
Hiện nay, toàn Thành phố đang quản lý và triển khai thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách; doanh số cho vay 10 năm giai đoạn 2015 đến 30/4/2024 là 38.759 tỷ đồng với 1.031.013 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 28.078 tỷ đồng. 
 
Tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng đến 30/4/2024 đạt 15.397 tỷ đồng với 272.412 khách hàng đang vay vốn, tăng 10.676 tỷ đồng so với đầu năm 2014, trong đó: Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn Trung ương đạt 6.860 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45% trên tổng dư nợ; dư nợ các chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn địa phương đạt 8.537 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55% trên tổng dư nợ. 
 
Vốn tín dụng chính sách giúp các gia đình mở rộng chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo
 
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH Thành phố và quận, huyện, thị xã, trong 10 năm qua, đã giải ngân cho 406.500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 439.400 lao động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 4.348 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ vốn cho 12 người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
 
Tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội
 
Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, trong 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai thực hiện đến 100% xã, phường, thị trấn của Thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi, kịp thời. Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH từ nguồn vốn Trung ương và địa phương đã hỗ trợ vốn cho 1.031.013 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, học tập và sinh hoạt. 
 
Mô hình trồng nho và rau sạch của gia đình anh chị Hợi Hường tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng
 
Trong đó, có 199.902 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững; 548.750 lượt khách hàng vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 583.856 lao đồng; 3.070 lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ vốn để trang trải chi phí học tập và 255 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; 266.546 lượt khách hàng được vay vốn để xây dựng mới, cải tạo 532.780 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 870 khách hàng vay vốn để xây mới/sửa chữa nhà ở/mua nhà ở xã hội; 4.348 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn để xây mới/sửa chữa nhà ở từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; 58 lượt người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định; 179 cơ sở giáo dục mầm non bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được vay vốn để duy trì hoạt động; 262 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 29.082 lao động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
 
Việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ; góp phần cùng Thành phố thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại khu vực nông nghiệp nông thôn; khôi phục và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; khuyến khích phát triển các khu sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật và các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, các sản phẩm dịch vụ OCOP, đồng thời, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố trong từng giai đoạn: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Thành phố giảm từ 3,64% xuống còn 0,21% (giai đoạn 2016-2021) và từ 0,16% xuống còn 0,03% thời điểm cuối năm 2023 (giai đoạn 2022-2024).

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t