Tăng cường vai trò của cấp ủy trong công tác phụ nữ (13:50 24/09/2019)


HNP - Với đặc thù dân số đông, nhiều lao động nhập cư là phụ nữ và đời sống, việc làm của một bộ phận phụ nữ còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp; Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng,... Trước tình hình đó, Hà Nội đã tích cực triển khai Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 20/01/2018, của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và công tác cán bộ nữ và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với công tác này.

Triển khai Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư với những giải pháp cụ thể, đặc biệt là tăng cường vai trò của cấp ủy đối với công tác phụ nữ, trong thời gian qua, Hà Nội đã đạt được những hiệu quả thiết thực. Trong đó, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ các cấp của Thủ đô đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, Thành ủy Hà Nội đã luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng, gắn công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 30/12/2011 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ của Đảng bộ thành phố Hà Nội”.

Hàng năm, thành phố quan tâm đầu tư kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, trình độ quản lý và năng lực công tác, tạo điều kiện cho cán bộ nữ học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành; nhiều đồng chí là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ Thành phố là 12,16%; BCH Đảng bộ quận, huyện, thị xã 16,7%; BCH Đảng bộ xã, phường, thị trấn 21,7%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Thành phố là 30%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 cấp Thành phố là 23,8%; cấp quận, huyện, thị xã là 30%; cấp xã, phường, thị trấn là 28,5%.

Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm, lãnh đạo trong công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội phụ nữ các cấp theo Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 24/9/2013, của Thành ủy Hà Nội về việc “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Chỉ đạo Hội LHPN Thành phố các cấp củng cố, kiện toàn các cơ sở, chi hội phụ nữ trên địa bàn dân cư đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống chính trị. Đến nay, Hội LHPN thành phố có 33 đầu mối trực thuộc cấp huyện; 758 cơ sở Hội cấp xã, chợ, doanh nghiệp, công an, quân đội; 5.762 chi hội; 15.527 tổ phụ nữ; toàn Thành phố có 875.358 hội viên phụ nữ, tỷ lệ thu hút hội viên trong các hộ gia đình có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đạt 80,1%.

Đáng chú ý, định kỳ hàng quý, 6 tháng, Thường trực Thành ủy tổ chức giao ban với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố; đặc biệt, năm 2018, đồng chí Bí thư Thành ủy đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô, nhằm đánh giá kết quả công tác, kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN các cấp. Chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; duy trì hiệu quả các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hậu phương quân đội,...

Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Thành phố tới cơ sở tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Thành ủy nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước.

Cùng với đó, các cấp ủy đảng thường xuyên lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp quan tâm, chăm lo đối với công tác phụ nữ, tổ chức và hoạt động của Hội LHPN; có các chủ trương cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đảm bảo cho các cấp hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát, phản biện xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Thành ủy, các chế độ, chính sách liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới và hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp.

Với những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố tới cơ sở, tiềm năng của phụ nữ Thủ đô đang ngày càng được phát huy mạnh mẽ, vị trí, vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định trong gia đình và xã hội, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thành phố.


Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t