Nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch (10:46 18/10/2018)


HNP - Trong 3 năm thực hiện Luật Hộ tịch, nhận thức của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội về vai trò, ý nghĩa của công tác đăng ký hộ tịch ngày càng được nâng cao. Tình trạng “sinh không khai, tử không báo” đã được giảm thiểu. Đa số người dân đã tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định.

Công dân đăng ký giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội


Qua gần 3 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành, Sở Tư pháp Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, trong đó tập trung tuyên truyền cho cán bộ và người dân hiểu những nội dung mới của luật, như việc đơn giản hóa và cắt giảm nhiều loại giấy tờ không cần thiết khi đăng ký hộ tịch. Cải tiến phương thức nộp hồ sơ, có nhiều phương án để người dân tự lựa chọn có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện; có thể đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép...
 
Sở Tư pháp cũng tổ chức 9 hội nghị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch cho công chức tư pháp của 30 phòng tư pháp và công chức tư pháp hộ tịch của 584 xã, phường, thị trấn. Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tư pháp cho hơn 1.000 công chức phòng tư pháp, lãnh đạo UBND cấp xã phụ trách công tác tư pháp và công chức tư pháp - hộ tịch trên địa bàn Thành phố.
 
Nhiều đơn vị đã số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, để khi công dân có nhu cầu tra cứu thông tin hộ tịch chỉ cần khai thông tin về họ tên, năm sinh là công chức Tư pháp- Hộ tịch có thể tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu điện tử giấy tờ hộ tịch của công dân đó một cách nhanh chóng, thuận tiện.
 
Theo Sở Tư pháp Hà Nội, đến nay, 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh. Việc này không những đảm bảo thi hành một cách đồng bộ Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân mà còn giúp các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh có thể theo dõi được toàn bộ quá trình thực thi của các cơ quan trực tiếp thực hiện. Ngoài ra, có thể tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi.
 
Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã mang lại những hiệu quả thiết thực, cụ thể trong công tác CCHC như giảm thao tác, rút ngắn thời gian tra cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, giảm chi phí đi lại của người dân khi thực hiện các TTHC trong lĩnh vực hộ tịch.
 
Ở nhiều địa phương, việc thực hiện Luật Hộ tịch cũng đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước ổn đinh và đi vào nề nếp, cơ sở vật chất từng bước được cải thiện. Các cơ quan thực hiện việc đăng ký hộ tịch đã ý thức được trách nhiệm của mình, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên không tùy tiện sửa chữa, thêm, bớt.
 
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung cho biết, về việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được chuyển về UBND cấp huyện theo quy định của Luật Hộ tịch. Đây là một trong những quy định mới của Luật, thể hiện bước tiến rõ nét trong CCHC, đáp ứng yêu cầu của người dân, tiến tới xây dựng quản lý, đăng ký hộ tịch chuyên nghiệp hiện đại. Qua 3 năm, Ba Đình đã giải quyết 103 hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cơ bản đúng trình tự, được người dân hài lòng. Tuy nhiên, để công tác quản lý hộ tịch được triển khai có hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, quận sẽ tăng cường tuyên truyền, sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan cấp trên, cơ quan chức năng có liên quan. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cơ sở cần biến quá trình phục vụ người dân, quá trình nghiên cứu, triển khai Luật thành quá trình tự học của mỗi người.
 
Đánh giá về công tác thực hiện Luật hộ tịch ở huyện Ba Vì, Trưởng Phòng Tư pháp Phùng Hữu Lộc cho biết, huyện rất quan tâm kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch, tất cả các xã đều đã bố trí cán bộ chuyên trách, giải quyết đúng và kịp thời các sự kiện hộ tịch, không có đơn thư phản ánh.
 
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, nhất là các kỹ năng trong việc giải quyết, xử lý các tình huống hộ tịch và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch cho công chức cấp xã. Đồng thời, tăng cường bảo đảm các điều kiện về phương tiện, cơ sở vật chất cho cơ quan tư pháp, đặc biệt là hệ thống mạng internet để thực hiện phần mềm Esam và khai sinh điện tử để phục vụ kịp thời người dân khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch. Hướng dẫn hoàn thiện cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước.
 
Đặc biệt, tiếp tục củng cố đảm bảo tính kết nối, liên thông giữa cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch với các cơ quan khác có liên quan trong quản lý và khai thác các thông tin, số liệu về hộ tịch.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t