Nhân dân vùng ngập lụt được hỗ trợ kịp thời, không xảy ra các dịch bệnh lớn (20:48 07/08/2018)


HNP - Chiều 7/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí thường kỳ, thông tin toàn diện về tình hình khắc phục hậu quả của đợt mưa gây úng ngập trên địa bàn một số huyện của Thành phố những ngày vừa qua. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi giao ban báo chí


Tại buổi giao ban, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố, Sở Y tế, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn, UBND các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức đã thông tin toàn diện, phản ánh đúng tình hình đợt mưa lớn gây ngập lụt vừa qua, cũng như công tác chủ động phòng, chống lụt bão của các lực lượng chức năng và nhân dân; công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa, ngập lụt.
 
Trên 4,6 nghìn hộ bị ngập bởi mưa lớn
 
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn (PCTT&TKCN) Thành phố, từ ngày 17/7 đến ngày 7/8/2018, mưa lớn xảy ra nhiều ở cả khu vực Bắc Bộ, trong đó, có Hà Nội. Điểm lớn nhất đo được là Ứng Hòa (566mm), điểm nhỏ nhất đo được tại Láng (309,5mm), trung bình lượng mưa toàn Thành phố, từ 7h ngày 17/7, đến 7h, ngày 6/8/2018 là 403,9mm. Ông Đỗ Đức Thịnh cho rằng đây là lượng mưa tương đối lớn. Tính đến hết tháng 7/2018, lượng mưa trung bình trên toàn Thành phố  là 1.110,4mm.
 
Với lượng mưa như trên, cùng với các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu cũng có mưa lớn nên đã gây úng ngập tại một số huyện, thị xã của Thành phố. Tính đến nay, mưa bão đã làm ngập trắng trên 4.425 ha lúa, ngập sâu trên 5.167 ha; trên 519 ha hoa màu bị dập nát toàn bộ, trên 270 ha dập nát một phần; trên 883 ha thủy sản và trên 326,7 ha cây lâu năm bị ngập; trên 10,2km đường giao thông bị ảnh hưởng. Toàn Thành phố có 4.655 hộ bị ngập với 22.359 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập úng. Trong số đó, Chương Mỹ là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 1.380 ha lúa bị ngập úng, trên 307 ha hoa màu, trên 603 ha thủy sản bị ngập, số nhà dân bị ngập là 3.683 hộ…
 
Lý giải thêm về nguyên nhân trận ngập lụt vừa qua, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết: do lượng mưa ở Hòa Bình rất lớn, riêng huyện Lương Sơn đo được là 600mm và dồn hết về sông Bùi, sông Tích. Cùng với lũ rừng ngang (tức là nước từ vùng rừng của huyện Lương Sơn, Kim Bôi của Hòa Bình tràn ngang qua đường Hồ Chí Minh sang các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ) dẫn đến lượng nước đổ về lớn. Tình trạng mưa lụt trên địa bàn Thành phố không phải do hồ Hòa Bình xả lũ, ông Chu Phú Mỹ khẳng định.
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ thông tin tại buổi giao ban báo chí
 
Ngoài ra, việc các tỉnh Tây Bắc cũng có mưa lớn, nước dồn về sông Hoàng Long dẫn đến tiêu thoát nước cho sông Bùi bị chậm; mực nước sông Hồng cũng lên cao làm giảm khả năng thoát nước của sông Đáy… Dẫn đến tình trạng ngập lụt chậm được cải thiện.
 
Không xảy ra dịch bệnh tại vùng ngập lụt
 
Thông tin về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh tại các huyện chịu ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại huyện Chương Mỹ ghi nhận 59 trường hợp viêm kết mạc và 150 trường hợp bệnh ngoài da, chủ yếu là bị nước ăn chân. Có 3 trường hợp đuối nước (2 trường hợp tại xã Tốt Động là 2 chị em 10-12 tuổi, 1 trường hợp tại xã Hoàng Văn Thụ - 45 tuổi). Tại huyện Quốc Oai, có 3 trường hợp viêm kết mạc và 100 trường hợp bệnh ngoài da; huyện Mỹ Đức có trên 100 trường hợp đến khám bệnh ngoài da, chủ yếu là nước ăn chân. Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định chưa ghi nhận dịch bệnh ở các vùng ngập lụt.
 
Ngay từ đầu mùa mưa lũ, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch, các văn bản chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mùa mưa lũ; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc sẵn sàng đáp ứng công tác khám chữa bệnh… Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thường xuyên trực tiếp xuống vùng ngập úng để chỉ đạo ứng phó, động viên kịp thời cán bộ, nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân. 
 
Với phương châm nước rút đến đâu tiến hành vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống dịch bệnh đến đó, ngành Y tế đã huy động lực lượng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm y tế các huyện huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức phối hợp với lực lượng của địa phương tổ chức việc vệ sinh môi trường khử khuẩn triệt để. “Trên tinh thần quyết liệt trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, đến thời điểm hiện tại, chưa xuất hiện dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng và ngộ độc thực phẩm tại các vùng chịu ảnh hưởng của ngập lụt”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nói.
 
Nhiều tỷ đồng tiền mặt cùng hàng cứu trợ được gửi đến nhân dân vùng lụt
 
Về công tác đảm bảo đời sống nhân dân các xã bị ngập lụt, theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 5/8/2018, các địa phương bị thiệt hại do ngập úng đã tiếp nhận tiền mặt từ các đơn vị và cá nhân hỗ trợ là 5.968,4 triệu đồng. Ngoài ra, việc tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ được UBND các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ và UBND các xã chuyển đến từng hộ dân đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch.
 
Cụ thể, trước những ảnh hưởng của ngập úng, ngày 3/8/2018, UBND TP đã quyết định hỗ trợ hàng cứu trợ, đảm bảo đời sống nhân dân vùng bị ngập tại huyện Chương Mỹ: 50 tấn gạo, 4.000 gói mì chính, 8.000 gói bột canh và 8.000 bình nước uống (20 lít/bình). Tiếp đó, ngày 6/8/2018, UBND TP quyết định hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân vùng bị ngập tại huyện Quốc Oai trên 14 tấn gạo, 710 gói mì chính, 1.420 gói bột canh, 1.420 bình nước uống (20 lít/bình). Toàn bộ số hàng cứu trợ trên đã được chuyển đến nhân dân huyện Chương Mỹ và đang tiếp tục vận chuyển đến cho nhân dân huyện Quốc Oai.
 
Còn theo số liệu tổng số tiền và hàng hóa cứu trợ nhân dân vùng bị ngập do lãnh đạo UBND các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Mỹ Đức cung cấp, cập nhật đến ngày 7/8/2018, huyện Chương Mỹ tiếp nhận trên 6,1 tỷ đồng; huyện Quốc Oai tiếp nhận trên 1 tỷ đồng; huyện Mỹ Đức tiếp nhận 550 triệu đồng cùng nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm…
 
Cần giải pháp căn cơ, bền vững
 
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ, qua các buổi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão vừa qua, lãnh đạo Thành ủy đã chỉ đạo, cùng với chăm lo, đảm bảo đời sống cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng ngập lụt, cần tập trung khắc phục vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất, sửa chữa hư hỏng trường học, công trình văn hóa. Tập trung rà soát thiệt hại, hỗ trợ nhân dân. Đặc biệt, Thành phố cũng yêu cầu Sở rà soát toàn bộ phương án phòng chống lụt bão, tiêu thoát lũ, trong có nghiên cứu kiên cố hóa đê tả Bùi để báo cáo Thành phố.
 
Ngoài ra, Thành phố cũng chỉ đạo rà soát quy hoạch dân cư, những điểm nào thuộc vùng phân lũ. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng nêu kiến nghị, giải pháp lâu dài, chiến lược là từng bước phải di dân các xã hữu Bùi của huyện Chương Mỹ, bởi đây là vùng thoát lũ. Khu vực này chỉ nên để là vùng sản xuất.
 
Phát biểu kết thúc buổi giao ban, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, đến nay, cơ bản các nhà dân bị ngập nước đã rút hết, công tác khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường đang được Thành phố tích cực triển khai. 
 
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, từ năm 2017, Thành phố đã giao cho các cơ quan phối hợp với các cơ quan của Trung ương, trong đó, có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các phương án tiêu thoát lũ, phòng chống lụt bão. Nhưng giải pháp này phải có tính liên vùng, nằm trong tổng thể chung cả vùng đồng bằng Bắc Bộ chứ riêng Hà Nội không thể làm được.
 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng, qua trận mưa lụt vừa qua, đã cho thấy tinh thần tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, nhất là bà con nhân dân trong phòng chống lụt bão, nên đã hạn chế được thiệt hại. Trên cơ sở đó, cần tuyên truyền, động viên, khích lệ, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống lụt bão, đặc biệt là phòng chống đuối nước để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t