Hà Nội chủ động phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (22:22 12/09/2017)


HNP - Chiều 12/9, UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phối hợp trong công tác quản lý nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại thành phố Hà Nội. Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu tại Hội nghị


Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết: về cơ bản, các nội dung công tác đã được thống nhất giữa lãnh đạo Thành phố và lãnh đạo Bộ GTVT, kết luận tại hội nghị ngày 07/3/2016 đã được tập trung chỉ đạo, phối hợp, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu đề ra trong công tác quản lý nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo trật tự, ATGT. 
 
Điển hình như: Đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đang được hiện thực hóa. Thành phố đã hoàn thành và khởi công nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn như: 12 công trình cầu yếu; một số đoạn tuyến của các tuyến đường hướng tâm, vành đai, đường trục chính đô thị, đường liên khu vực trên địa bàn...
 
Thành phố đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Bộ GTVT trong việc triển khai thực hiện các dự án do Bộ đầu tư trên địa bàn như: Đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; Cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C; Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2A, dự án mở rộng đường Pháp Vân - Cầu Giẽ ...Đối với danh mục 8 công trình giao thông cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giao thầu (TP thực hiện 7 công trình và Bộ GTVT thực hiện 1 công trình): Hà Nội đã hoàn thành 2/7 công trình (cầu vượt Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái và cầu vượt nút giao Cổ Linh). Cùng với đó, Thành phố cũng đã khởi công công trình Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long, dự kiến hoàn thành vào năm 2018. 2 công trình: cầu vượt nút giao An Dương và cầu vượt Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc cũng đã phê duyệt dự án và chuẩn bị khởi công...
 
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng, một trong những thành công đáng kể nhất trong quá trình phối hợp công tác giữa Thành phố và Bộ GTVT là triển khai thực hiện thành công và có hiệu quả trong việc điều chuyển, sắp xếp luồng tuyến tuyến xe khách liên tỉnh theo đúng định hướng quy hoạch luồng tuyến đã được Bộ GTVT phê duyệt, góp phần quan trọng trong việc hạn chế ùn tắc giao thông khu vực nội đô.
 
Bên cạnh đó, Thành phố đã phối hợp với Bộ GTVT triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, duy tu, duy trì hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông một cách thường xuyên, kịp thời, linh hoạt. Nhiều giải pháp tích cực đã góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết và trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn Thành phố. Đến thời điểm hiện nay, Hà Nội đã cơ bản giải quyết được 6/41 điểm ùn tắc giao thông trong năm 2017.
 
UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” làm tiền đề cho việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, cơ chế chính sách nhằm giảm ùn tắc giao thông cho TP.
 
Cũng tại Hội nghị, UBND Thành phố đã kiến nghị Bộ GTVT về các cơ chế, giải pháp thực hiện các dự án công trình giao thông khung quan trọng của Thành phố liên quan đến hạ tầng đường sắt và giao thông đường bộ đã được UBND Thành phố đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tháng 8 năm 2017. Đề nghị Bộ GTVT thực hiện đầu tư với các dự án: Hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3; Cầu Mễ Sở ( vành đai 4); Hoàn thiện nút Pháp Vân- Cầu Giẽ với đường vành đai 3. Trong trường hợp Bộ GTVT chưa cân đối, bố trí vốn thực hiện các dự án này, đề nghị thống nhất giao lại dự án cho Hà Nội thực hiện kêu gọi theo hình thức PPP. Đồng thời, thống nhất cùng Hà Nội đồng trình báo cáo Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế giao thầu đối với 14 công trình cầu yếu cần cấp bách triển khai.
 
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công hoàn thành một số tuyến đường sắt đô thị, cao tốc..Ủng hộ thành phố Hà Nội thực hiện phương án khôi phục lại các vòm cầu dưới tuyến đường sắt khu vực quận Hoàn Kiếm để trang trí, phục vụ du lịch. Triển khai thí thực hiện thí điểm tuyến xe khách du lịch 2 tầng trong khu vực nội đô, phối hợp điều chuyển luồng tuyến của các Bến xe khách theo quy hoạch luồng tuyến đã được Bộ GTVT phê duyệt…
 
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định: Hà Nội luôn xác định kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá, vì vậy, thời gian qua, Thành phố đã tập trung rà soát các dự án trọng điểm để bố trí nguồn lực đầu tư. 
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: để GPMB một số dự án hạ tầng giao thông lớn, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ cần khoảng 17.000 căn hộ tái định cư, và Thành phố đã cân đối bố trí, dự kiến sẽ đáp ứng đủ. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề xuất nên linh hoạt trong việc thực hiện tái định cư, có thể bằng nhà hoặc bằng tiền tùy theo nguyện vọng và điều kiện của người dân.
 
Đối với việc khôi phục lại các vòm cầu dưới tuyến đường sắt khu vực quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, quận Hoàn Kiếm đã mời các chuyên gia tư vấn Pháp để đánh giá chung. Sau khi nghiên cứu các chuyên gia khẳng định việc đục thông sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu. Trước mắt, Hà Nội sẽ thí điểm đục thông một vòm để đánh giá kỹ trước khi thực hiện. 127 vòm cầu sẽ tạo ra 3.600 m2, là không gian phục vụ đi bộ, hoạt động nghệ thuật...
 
Đánh giá cao những nỗ lực và sự chủ động của Hà Nội trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định: Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ các đề xuất về cơ chế đặc thù đối với các công trình giao thông cấp bách cũng như định hướng kêu gọi hợp tác công - tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. 
 
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông; sớm khởi công tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên để đảm bảo đồng bộ với phát triển vận tải công cộng của Thành phố. Riêng với tuyến đường sắt 2A, Bộ GTVT thống nhất bàn giao toàn bộ hệ thống biển bảng quảng cáo trên đoàn xe, nhà ga... cho Hà Nội quản lý và khai thác. Đặc biệt, Bộ GTVT đã nhất trí cao với phương án đục thông, khôi phục các vòm cầu dưới tuyến đường sắt đi qua địa bàn quận Hoàn Kiếm để tạo thêm không gian phục vụ thương mại, du lịch của Thành phố.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t