Nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng (12:35 29/08/2017)


HNP - Trong bối cảnh các kênh truyền thông và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, với vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Đảng bộ Hà Nội luôn xác định công tác tuyên truyền miệng là một nội dung rất quan trọng của công tác chính trị - tư tưởng; là kênh thông tin hữu hiệu để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, thông qua đó, để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Ngoài 358 báo cáo viên cấp Thành phố, hiện nay, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp được huy động từ đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên hội đồng tuyên truyền - phổ biến, giáo dục pháp luật, thanh niên tình nguyện, tổ hòa giải ở cơ sở,... và duy trì thường xuyên với số lượng gần 16.000 người. Hoạt động tuyên truyền miệng nói chung được đánh giá là hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Các báo cáo viên về cơ bản đã thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm trong công tác. Phần lớn các báo cáo viên duy trì mỗi năm thực hiện báo cáo từ 20 đến trên 80 buổi cho hàng ngàn lượt người nghe, đảm bảo chất lượng, đúng định hướng và kỷ luật phát ngôn theo phương châm “kịp thời, nhạy bén, thuyết phục, hiệu quả”.

Hội nghị báo cáo viên Thành phố được duy trì nền nếp hàng tháng với sự tham gia của khoảng 90% báo cáo viên, có sự phối hợp của các cơ quan Trung ương, các sở, ban, ngành Thành phố, nhằm cung cấp thông tin về nhiều lĩnh vực. Hằng năm, có hơn 30 chuyên đề được thông tin tại hội nghị báo cáo viên Thành phố trên các mặt như: phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thời sự quốc tế, tình hình tư tưởng chính trị, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, hoạt động tôn giáo, công tác thi đua - khen thưởng, các chương trình công tác của Thành ủy,... với hình thức linh hoạt như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, đi thực tế tham quan các mô hình, học tập kinh nghiệm... Qua đánh giá hằng năm, chất lượng các chuyên đề loại tốt chiếm 80%, loại khá 10% và trung bình 10%; chất lượng đội ngũ báo viên của Đảng bộ Thành phố, loại giỏi 10%, loại khá 50%; loại trung bình 40%. Các nội dung thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu người nghe; báo cáo viên có sự đổi mới phương pháp truyền đạt, sử dụng công nghệ thông tin, tăng cường đối thoại; tài liệu cung cấp được đánh giá có chất lượng, thiết thực giúp cho báo cáo viên khi triển khai tuyên truyền ở cơ sở.

Phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền miệng; vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên và nhân dân Thủ đô trong công tác này, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; xác định đây là một trong những kênh thông tin, tuyên truyền, phương thức hữu hiệu nhằm định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng với công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên. Không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên các cấp đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng khoa học lần thứ 4 (4.0). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng theo phương châm hướng về cơ sở, thực hiện thông tin hai chiều, tích cực đối thoại trong tuyên truyền miệng, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc đặt ra từ cuộc sống. Huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác tuyên truyền miệng, qua đó chủ động đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch trên mạng xã hội và truyền thông đại chúng. Duy trì tốt hội nghị báo cáo viên định kỳ, đột xuất nhằm đáp ứng yêu cầu khi có tình huống phát sinh. Chú trọng đổi mới phương pháp tổ chức, nâng cao chất lượng các hội nghị theo hướng áp dụng công nghệ thông tin, tăng cường đối thoại giữa báo cáo viên với người nghe; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho đội ngũ báo cáo viên các cấp, cho cán bộ, đảng viên hoặc cấp ủy cơ sở, đảm bảo thông tin định hướng được cung cấp kịp thời từ Thành phố đến cơ sở.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc hoạt động tuyên truyền miệng và quản lý tốt đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tiếp tục cấp thẻ báo cáo viên theo Quy chế hoạt động báo cáo viên của Đảng. Chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên; hàng năm phấn đấu 100% các đơn vị triển khai công tác bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền miệng cho báo cáo viên. Nắm bắt và dự báo kịp thời diễn biến những vấn đề lớn, phức tạp tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp, nhạy cảm ngay từ cơ sở.


Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t