Công tác cấp GCN quyền sử dụng đất ở Hà Nội:


Bài 2: Cần chính sách đặc thù mới giải quyết triệt để (05:50 05/04/2017)


HNP - Mốc 30/6/2017 hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ toàn thành phố Hà Nội so với thời điểm hiện tại thời gian quá ngắn, trong khi tồn đọng đều là trường hợp “gai góc”. Nhiều chuyên gia, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố nhận định, ngoài dồn lực, đẩy nhanh tiến độ, thành phố Hà Nội cũng cần có chính sách, cơ chế đặc thù mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Khách quan có - nhưng chủ quan không ít

Hiện nay, ngoài nguyên nhân khách quan chưa có bản đồ địa chính, đất do các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn chưa được bàn giao cho chính quyền địa phương, đất còn tranh chấp, khiếu kiện, lấn chiếm, giao trái thẩm quyền do lịch sử để lại… vẫn còn nguyên nhân chủ quan do sự vào cuộc của một số chính quyền các địa phương vẫn chưa sâu sát. Qua giám sát cho thấy ở một số địa phương, cơ sở, cán bộ thụ động, chờ hướng dẫn của ngành chức năng thành phố, chưa chủ động, kịp thời rà soát, đề xuất, kiến nghị cấp trên tháo gỡ.  Vì thế, toàn thành phố có hàng chục nghìn hộ chưa làm thủ tục kê khai hồ sơ, nguồn gốc đất, trong đó, huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn, quận Hoàng Mai có tỷ lệ cao.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, những tồn trên có các nguyên nhân, tuy nhiên có cả nguyên nhân cán bộ chưa bao quát hết công việc, chưa làm hết trách nhiệm, thiếu sát cơ sở. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cũng đồng tình cho biết: Chỉ thị của Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành, các sở chuyên ngành cũng tham gia các tổ công tác đã hướng dẫn rất cụ thể, cơ chế thông thoáng, nhưng thực tiễn một số địa phương vào cuộc vẫn chưa hiệu quả. Số lượng người dân chưa kê khai lớn ở các địa phương là do cán bộ chưa thực sự làm hết trách nhiệm, bởi việc kê khai cấp GCNQSDĐ là quyền lợi, trách nhiệm của người dân, cán bộ phải tuyên truyền để người dân hiểu. Nếu người dân không kê khai, thì cán bộ phải đến vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, kê khai giúp người dân để quản lý. “Thực tiễn, vẫn biết là nguồn gốc đất phức tạp, nhiều biến động, nhưng để giải quyết nhanh, các quận, huyện cần thành lập các tổ công tác xuống tháo gỡ khó khăn cho các xã, phường, thị trấn; phân loại hồ sơ, trường hợp nào vướng mắc liên quan đến các ngành chức năng thì chủ động đề xuất giải quyết”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh thêm.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, tình trạng chung trên địa bàn thành phố đang quản lý “chay” hồ sơ địa chính, nên nhiều quận, huyện không thể cấp giấy được. Tháo gỡ việc này, UBND thành phố và Sở TN&MT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để vận dụng trong quá trình triển khai công việc. Đối với một số xã chưa có bản đồ địa chính, thành phố cho phép vận dụng tất cả các giấy tờ có liên quan, kết hợp đo đạc thủ công để cấp GCNQSDĐ cho người dân. Dù ban hành văn bản kịp thời để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ, song không phải địa phương nào cũng áp dụng đúng, hiệu quả. Cũng chính vì việc phân loại các dạng tồn đọng chưa tốt, nên ở một vài địa phương số liệu báo cáo không đồng nhất, thậm chí có nơi vô vàn khó khăn, nhiều dạng đất như ở quận Hoàng Mai (thành lập quận trên cơ sở sáp nhập các xã, phường thuộc các quận, huyện, hồ sơ thất lạc, lấm chiếm, sử dụng sai mục đích) nhưng báo cáo thì lại rất “tròn trịa”.

Khẩn trương nhưng không nóng vội

Thời gian dành cho các quận, huyện, thị xã rà soát, xét duyệt cấp giấy GCNQSDĐ theo kế hoạch còn rất ít, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền các địa phương khẩn trương, dồn tổng lực cho nhiệm vụ này với quyết tâm cao nhất. Theo nhiều chuyên gia, đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, nhưng không vì thế mà nóng vội, làm ào ạt thiếu cơ sở pháp lý, dẫn đến nguy cơ phát sinh khiếu kiện sau này.

Chỉ đạo về công tác này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu, các trường hợp tồn đọng cần phải được các quận, huyện, thị xã phân loại kỹ, soi chiếu với các quy định để thực hiện cấp GCNQSDĐ bảo đảm chặt chẽ, chất lượng; cần bóc tách rõ những trường hợp chồng lấn với diện tích đất rừng, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, tranh chấp chưa giải quyết, kiến nghị thành phố xử lý. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền lợi, trách nhiệm trong kê khai, cấp GCNQSDĐ đến người dân, chính quyền các cấp cần tiếp tục cải cách thủ tục cách hành về lĩnh vực đất đai; tổ công tác liên ngành của thành phố tiếp tục vào cuộc, đến từng quận, huyện, thị xã trao đổi, cùng tháo gỡ vướng mắc từng trường hợp cụ thể.

Để  hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao, nhất là giải quyết triệt để những tồn đọng, vướng mắc kéo dài, phức tạp, Sở TN&MT đã đề xuất với UBND thành phố các bước giải quyết. Đó là thành phố giao UBND cấp huyện lập kế hoạch hàng tuần, hàng tháng và phân công rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký đất đai, cấp GCN lần đầu cho các thửa đất. Đối các khu tập thể cũ chưa bàn giao cho địa phương, thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát phân loại để thực hiện theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 19/2016/TT-BXD và các quy định hiện hành. Đối với các trường hợp không phù hợp với quy hoạch, nếu chưa có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất thì thực hiện đăng ký đất đai, cấp GCN theo quy định và ghi chú ”Thửa đất nằm trong quy hoạch”....; trường hợp có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất nhưng nhiều năm chưa thực hiện, không có khả năng giải phóng mặt bằng thì yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã làm việc với các chủ đầu tư rà soát, tổng hợp trình UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch. Đặc biệt, đối với các hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ chứng minh hoặc có giấy tờ chứng minh nghĩa vụ tài chính không đúng mẫu quy định thì giao UBND các quận, huyện rà soát, thống kê, báo cáo cụ thể các trường hợp, gửi Cục Thuế Hà Nội để cùng các sở, ngành tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu đề xuất thêm: Sở TN&MT điều động tổ công tác, cùng rà soát với các địa phương các dạng vướng mắc, dạng nào cấp được thì quận sẽ chỉ đạo giải quyết nhân rộng; dạng nào không cấp được thì cũng trả lời sớm cho người dân. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cho rằng: thực tiễn nhiều trường hợp không thể giải quyết ngay, cụ thể như đất các cơ quan, đơn vị, nông trường phân cho cán bộ, chưa bàn giao cho chính quyền địa phương, giao đất trái thẩm quyền thất lạc hồ sơ... Vì thế, thành phố cần tổng hợp, khoanh nhóm lại, không đưa vào tiến độ thực hiện theo 2 mốc 30/7/2017 và 31/3/2017 hoàn thành, tránh việc nóng vội, thiếu chặt chẽ, mầm mống phát sinh khiếu kiện.

Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội nêu rõ, “địa phương, đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch cấp GCN được cấp có thẩm quyền giao, thì cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên”. Vì vậy, thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc cấp GCN quyền sử dụng đất của cấp huyện, cấp xã để xử lý nghiêm cán bộ chậm trễ thực thi công vụ, không chấp hành quy định của pháp luật và thành phố.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t