Hà Nội nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (14:36 27/02/2023)


HNP - Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ động, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em, từng bước xây dựng môi trường sống an toàn để trẻ em trên địa bàn Thành phố được phát triển toàn diện.

Hà Nội thực hiện thành công Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em


Theo đó, việc tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện công tác trẻ em đã được Sở chủ động thực hiện một cách kịp thời, đồng bộ, thống nhất trên địa bàn Thành phố, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại những thời điểm cụ thể. Công tác truyền thông, tập huấn được quan tâm thực hiện tốt đã góp phần nâng cao nhận thức, cam kết trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, chuyển đổi hành vi của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em theo hướng tích cực. Các hoạt động cao điểm trong Tháng hành động vì trẻ em và Trung thu không chỉ được tổ chức với quy mô cấp Thành phố, quận, huyện mà còn được tổ chức ở từng tổ dân phố nhằm chăm lo chu đáo cho mọi trẻ em, trong đó, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc  biệt.
 
Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, toàn Thành phố đã có 213.243 lượt trẻ em được tặng quà, nhận học bổng, khám, chữa bệnh miễn phí… với tổng giá trị trên 17,3 tỷ đồng; xây mới, nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho 83 điểm vui chơi cho trẻ em với tổng kinh phí là hơn 5,7 tỷ đồng. 
 
Đáng chú ý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Thành phố tổ chức thành công Chương trình Đêm hội trăng rằm năm 2022 tại huyện Thanh Oai. Tại Đêm hội, lãnh đạo thành phố Hà Nội trao 1.300 suất quà cho 1.300 trẻ em; tặng quà, học bổng, xe đạp cho 200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tốt, mồ côi bố hoặc mẹ do Covid-19.
 
Công tác vận động, hỗ trợ trẻ em được quan tâm. Năm qua, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội vận động được 191 đơn vị tài trợ với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng (bao gồm cả tiền mặt và hiện vật); thực hiện hỗ trợ cho gần 20.000 lượt trẻ em với kinh phí hơn 9,4 tỷ đồng. Vận động Quỹ VinalCapital hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim bẩm sinh cho 25 trẻ em với tổng số tiền hơn 684 triệu đồng.
 
Theo tổng hợp, báo cáo từ các quận, huyện, thị xã, Thành phố có 14.321 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (theo Luật trẻ em), trong đó có 14.306 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau, đạt tỷ lệ 99,9%; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được trợ giúp cũng đạt  mức 94,2%; các chỉ tiêu về bảo vệ chăm sóc trẻ em đều đạt kế hoạch đề ra. 
 
Các thông tin về trẻ em bị xâm hại đều được tiếp nhận, giải quyết nghiêm túc. 100% trẻ em trong các vụ việc xâm hại trẻ em khi được phát hiện đều đã được can thiệp, tư vấn, trợ giúp theo quy định. 
 
Thực hiện Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em, Sở đã chỉ đạo đồng loạt dạy bơi tại 4 huyện và 12 xã địa bàn Dự án. Kết quả, 100% địa bàn Dự án đã hoàn thành dạy bơi cho trẻ em và đã tiến hành kiểm tra kết quả cho trẻ.
 
Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu: Ít nhất 99% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc bằng nhiều hình thức khác nhau; 100% trẻ em bị xâm hại, bạo lực khi được phát hiện đều được can thiệp, tư vấn, trợ giúp kịp thời, hiệu qủa; Ít nhất 500/579 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em…
 
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện các giải pháp tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức, mối quan hệ xã hội, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền của trẻ em.  
 
Chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; giảm thiểu tai nạn, thương tích và lao động trái quy định của pháp luật ở trẻ em. Tăng cường phối hợp liên ngành triển khai thực hiện hiệu quả pháp luật, chính sách và các chương trình, đề án, kế hoạch lĩnh vực trẻ em giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Lồng ghép, phân bổ nguồn lực thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. 
 
Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, vận động nhân dân và toàn xã hội xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em; truyền thông, giáo dục chính sách, pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và bảo đảm thực hiện quyền tham gia của trẻ em,...; chú trọng truyền thông trực tiếp nhằm bảo đảm thông tin tuyên truyền, đặc biệt là các dịch vụ bảo vệ trẻ em. 
 
Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm trong công tác bảo vệ trẻ em, hỗ trợ, can thiệp trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích, đặc biệt là trẻ em bị đuối nước và tai nạn giao thông. Huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động trợ giúp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em…

Trần Hương


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t