“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Không chỉ dừng ở cuộc vận động (12:20 28/10/2020)


HNP - Trong bối cảnh nền kinh tế đã và sẽ tiếp tục trải qua những thách thức lớn do đại dịch Covid-19 gây ra, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội càng trở nên quan trọng và ý nghĩa. Không chỉ nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô trong thực hiện tốt cuộc vận động, mà những hoạt động cụ thể, thiết thực của các cấp, các ngành thành phố còn góp phần phục hồi kinh tế, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.


Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
 
Dịch Covid-19 xảy ra là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khai thác, phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng, từ đầu năm 2020 đến nay, các sở, ngành thành phố đã triển khai nhiều hoạt động gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đơn cử, cùng với tổ chức các hội nghị đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực công thương hỗ trợ doanh nghiệp. 
 
Chưa dừng lại ở đó, Sở Công Thương còn tham mưu thành phố triển khai nhiều giải pháp kết nối tiêu thụ, liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đáng chú ý là tổ chức thành công 3 Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức thành công 12 Tuần hàng trái cây, nông sản, kết nối, tiêu thụ trên 10.000 tấn nông sản của các địa phương dư nguồn cung do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
 
Để kích cầu nội địa, tăng tổng mức hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, trên địa bàn thành phố cũng đã diễn ra chuỗi các chương trình bán hàng Việt, kích cầu tiêu dùng như: 3 Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội, phiên chợ Tuần nông sản thực phẩm an toàn 2020; hội chợ vàng xuất khẩu; hội chợ OCOP; chương trình Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam... Đặc biệt, chương trình khuyến mại tập trung năm 2020 với chủ đề “60 ngày vàng - rộn ràng mua sắm” đã tiếp nhận 4.963 thông báo, đăng ký khuyến mại của doanh nghiệp tham gia thực hiện trong tháng 6 và 7 vừa qua với tổng giá trị khuyến mại đạt trên 20.000 tỷ đồng.
 
Đồng hành với các sở, ngành thành phố, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các quận, huyện, thị xã của thành phố cũng phối hợp với chính quyền cùng cấp hỗ trợ doanh nghiệp xác định, lựa chọn địa điểm bán hàng thuận lợi để nhân dân, người tiêu dùng mua sắm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm các chương trình bán hàng Việt tại các khu dân cư. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, sự vào cuộc tích cực của các địa phương đã khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, góp phần xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường. Đáng nói, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, từ đó đã thay đổi nhu cầu tiêu dùng theo hướng ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước...
 
Nâng cao chất lượng cuộc vận động
 
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cũng được các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc chủ động xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất; hỗ trợ, định hướng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt đi vào chất lượng, phát triển thương hiệu, chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm…, thành phố cũng đã tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư hạ tầng thương mại. Chẳng hạn, Sở Công Thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã lập danh mục 5 chợ đầu mối, 5 trung tâm mua sắm, buôn bán và 1 trung tâm logistics kêu gọi đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố năm 2020. Đến nay, toàn thành phố có 142 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, khoảng 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ đang hoạt động. Ngoài ra, 2 trung tâm logistics, 3 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và 9 dự án khác đang hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
 
Đặc biệt, để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường hàng hóa, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã duy trì và phát triển các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn; đẩy mạnh quản lý, phát triển mô hình kinh doanh theo hướng văn minh hiện đại tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Các sở, ngành hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp mở mới 74 địa điểm kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu về thực phẩm của người dân…Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, mặc dù do tác động của dịch bệnh, song chương trình đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng được quan tâm chỉ đạo sát sao, bảo đảm ổn định thị trường. Nổi bật là triển khai chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu, thành phố đã chỉ đạo thực hiện bình ổn 13 nhóm hàng hóa phục vụ nhân dân với lượng hàng hóa trị giá 4.467 tỷ đồng/tháng, tương đương 53.604 tỷ đồng/năm. Nhìn chung, mạng lưới điểm bán hành phân phối hàng hóa thực hiện chương trình bình ổn phủ rộng khắp thành phố với 11.862 điểm bán hàng.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần quan trọng giúp kinh tế thành phố duy trì sự ổn định trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động để tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó tạo sự lan tỏa sâu rộng.

H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t