Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (18:15 19/03/2019)


HNP - Theo ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, Công ty đang tích cực triển khai các công tác để tiếp nhận, vận hành và khai thác tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông.

Ông Vũ Hồng Trường thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, chiều 19-3


Cụ thể, Công ty đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải góp ý 2 Nghị định và 9 Thông tư quy định, hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt (có hiệu lực từ 1/7/2018) đối với hoạt động của đường sắt đô thị; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Quy định về quản lý, bảo trì và vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị trình Thành phố phê duyệt; chuẩn bị đội ngũ nhân lực lái tàu; xây dựng phương án kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng Thành phố...
 
Về phương án giá vé, ông Vũ Hồng Trường cho biết: ngày 5/3/2019, UBND TP đã họp thông qua phương án giá vé, hiện đang được lấy ý kiến đóng góp của công dân trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội. Cụ thể, giá vé gồm vé lượt (vé chặng) được tính theo khoảng cách đi lại thực tế giữa các ga, gồm giá mở cửa 7.000 đồng + đơn giá 600 đồng x khoảng cách đi lại (km). Vé tháng có 2 loại, loại bình thường là 200.000 đồng/tháng và loại ưu tiên là 100.000 đồng/tháng. Ngoài ra, còn có vé ngày (giá vé 30.000 đồng/ngày, không giới hạn số lượt đi và được tính từ thời điểm mua đến thời điểm đóng tuyến).
 
Theo ông Vũ Hồng Trường, phương án giá vé trên được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí: Thu nhập người dân và khả năng chi trả; sự cạnh tranh với các phương tiện khác; khảo sát chi phí người dân; cân đối chi phí vận hành và khả năng trợ giá của ngân sách Nhà nước. So với giá vé xe buýt cùng hạng thì mức giá đường sắt đô thị như trên cao hơn 1,57 lần, nhưng tốc độ di chuyển lại nhanh hơn 2,1 lần so với xe buýt (không kể xe buýt bị tắc đường).
 
Thông tin tổng quan về tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường cho biết: tuyến có tổng chiều dài 13,1km, với 12 nhà ga. Tại các nhà ga có bố trí các thiết bị như thang máy (phục vụ người khuyết tật), thang cuốn (chiều lên nhà ga), thang bộ (chiều từ nhà ga đi xuống). Toàn tuyến có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách. Thời gian vận hành từ 5 giờ đến 23 giờ hàng ngày, tần suất vào giờ cao điểm 5-6 phút/chuyến, giờ bình thường 10 phút/chuyến; vận tốc khai thác bình quân 35km/giờ, như vậy thời gian từ Cát Linh đến Hà Đông bình quân 23 phút.
 
Trong 1 ngày, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành 288 lượt, năng lực vận chuyển tối đa 260-270 nghìn hành khách  mỗi ngày, đáp ứng vận chuyển 55-65% tổng lưu lượng giao thông trên tuyến. Trong 3 năm đầu khai thác, vận hành,  trung bình 1 năm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận chuyển từ 30-40 triệu hành khách, năng lực vận chuyển này sẽ tăng dần theo các năm.
 
Ông Vũ Hồng Trường cho biết thêm, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã đi kiểm tra tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và chỉ đạo các đơn vị liên quan để phấn đấu cuối tháng 4/2019 có thể đưa dự án vào vận hành, khai thác.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t