Sau 5 năm thực hiện Luật Thủ đô: Vẫn cần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc (12:53 30/12/2018)


HNP - Sau 5 năm Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, thành phố Hà Nội đã từng bước cụ thể hóa, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, để thành phố phát huy hơn nữa vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển mới.

Đột phá một  số lĩnh vực

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, 5 năm qua, các cơ chế đặc thù quy định trong Luật Thủ đô bước đầu đã giúp thành phố huy động được nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Về quy hoạch, đến nay, thành phố đã lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 26/35 đồ án quy hoạch phân khu, 31/33 đồ án quy hoạch chung (đô thị vệ tinh, huyện, thị trấn) và các quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn Thủ đô phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch chung). Cùng với đó, thành phố cũng có các biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp (chỉ chấp thuận một số dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ, không tăng giường bệnh như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức…). Đối với biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành, thành phố đã rà soát, đối chiếu, xác định các cơ sở không phù hợp quy hoạch. Qua đó, đã xác định lộ trình đến năm 2020, di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.

Về phát triển và quản lý nhà ở, thành phố đã tiến hành rà soát, xác định được 1.579 chung cư cũ, xuống cấp. Ðến nay, thành phố đã hoàn thành xây mới, đưa vào sử dụng 14 chung cư cũ, phá dỡ 5 chung cư để cải tạo. Ðồng thời, giao 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết để cải tạo, xây dựng lại 28 chung cư…Ngoài ra, thành phố cũng huy động được gần 400 tỷ đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa; thực hiện công bố danh mục các dự án dự kiến thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 (đợt 1), trong đó có 11 dự án công viên với tổng mức đầu tư 36.800 tỷ đồng.

Những vấn đề cần tháo gỡ

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, dù đã có bước đột phá ở một số lĩnh vực, song  thực tiễn, sự phối hợp giữa thành phố và một số bộ, ngành trong việc xây dựng một số văn bản triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô còn chậm. Hiện tại, Luật còn thiếu những quy định nhằm bảo đảm cho thành phố trong việc xây dựng chính quyền đô thị, quản lý các đô thị vệ tinh; cơ chế chỉ định thầu đối với một số dự án quan trọng.

Đặc biệt về quản lý di cư gặp nhiều khó khăn, hiện nay tình trạng dân số cơ học vào nội thành tăng nhanh, trong khi chưa đáp ứng được về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội. Nguyên nhân, Khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô mới quy định về điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú khu vực nội thành, việc đăng ký tạm trú thực hiện theo Luật Cư trú. Chính vì vậy, số lượng dân di cư tự phát vào nội thành tăng khoảng 210.000 người/năm. Thêm nữa, trên địa bàn thành phố, nhiều trụ sở của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, đang thực hiện săp xếp, di dời, nhưng tiến độ chậm, quỹ đất được thành phố bố trí, phục vụ di dời không được bàn giao cho Hà Nội quản lý (7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cho cơ quan trung ương quản lý).  Diện tích đất sau khi di dời phần lớn được các đơn vị đầu tư các công trình nhà ở, trung tâm thương mại, do đó, ảnh hưởng đến Quy hoạch chung, gây áp lực về giao thông đô thị, hạ tầng xã hội.

Ðể tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai các quy định của Luật Thủ đô, vừa qua, UBND thành phố đã kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ thống nhất với các quy định Luật chuyên ngành, bảo đảm tính khả thi của các cơ chế đặc thù trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô. Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho phép thành phố được quyết định một số cơ chế, đặc thù như: Chấp thuận cho thành phố được lựa chọn nhà đầu tư từ khâu lập quy hoạch chi tiết, nhằm bảo đảm nhất quán, hiệu quả đối với đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Phú Xuyên, Xuân Mai; đồng ý để thành phố được phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A vốn ngân sách thành phố và thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ, hoặc rừng đặc dụng, đất trồng lúa từ 10ha trở lên.

Trước đó, HĐND thành phố cũng đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung một số quy định đặc thù trong Luật, để Hà Nội thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo kết luận của Bộ Chính trị. Đồng thời, cho phép, thành phố mở rộng phạm vi lĩnh vực quản lý xã hội mà HĐND thành phố được quy định mức xử phạt cao hơn mức phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số lĩnh vực cần thiết, cấp bách phù hợp với đặc thù Thủ đô như: An toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, PCCC. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND thành phố cũng đề nghị Quốc hội, khi xây dựng các luật mới hay sửa đổi một số luật, cần lưu ý tới đặc thù của Hà Nội đã được quy định trong Luật Thủ đô, để tránh làm vô hiệu hóa những đặc thù trên; đồng thời tiếp tục quan tâm cho các cơ chế về vốn để thành phố thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng trên địa bàn theo quy định của Luật Thủ đô.


Việt Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t