Phát huy giá trị kho tàng Di sản văn hoá phong phú và đa dạng của Thủ đô (21:16 27/12/2018)


HNP - Sự đặc sắc của kho tàng di sản văn hoá của Hà Nội góp phần không nhỏ trong sự hình thành những phẩm giá chung của người Việt Nam và là một trong những yếu tố cơ bản để Hà Nội xứng đáng được nhận giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình” của UNESCO. Đây cũng đồng thời là những tài nguyên hấp dẫn tạo nên nhưng lợi thế và ấn tượng đậm nét cho Hà Nội.

Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới ngày 01/8/2010


So với các tỉnh thành phố khác trong toàn quốc, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng di tích lịch sử và văn hóa lớn nhất ở Việt Nam với 01 Di sản thế giới, 13 di tích (cụm di tích) Quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp Quốc gia, 1.202 di tích cấp Thành phố.  
 
Kho tàng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Hà Nội là hết sức phong phú và đa dạng, bao gồm nhiều loại khác nhau. Hà Nội có hàng trăm di tích gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của một trong những trung tâm lâu đời của Quốc gia dân tộc. Từ Cổ Loa đến Thăng  Long - Hà Nội. Trong số này, tiêu biểu nhất là Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới ngày 01/8/2010.  Cùng với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, Hà Nội còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh - những di sản thiên nhiên, những cảnh quan văn hóa và đồng thời là những tài nguyên du lịch tiêu biểu của thủ đô như: Hồ Tây, các khu du lịch chùa Hương, Quan Sơn, Ao Vua, Khoang Xanh, Ba Vì... 
 
Bên cạnh những di sản văn hóa vật thể, những di tích vật chất vô cùng đa dạng về truyền thống văn hoá và lịch sử của thủ đô, Hà Nội còn có không ít các di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc, đặc biệt là các lễ hội truyền thống. Cùng với đó, trên địa bàn của Hà Nội mở rộng đã có tới 1.264 làng nghề, trở thành nơi tập trung làng nghề đông đúc bậc nhất Việt Nam. Sau khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, thành phố đã có thêm nhiều làng nghề danh tiếng như: Khảm trai ở Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), thêu ren ở Quất Động (Thường Tín), đặc biệt là Làng lụa Vạn Phúc…
 
Nghệ thuật truyền thống Hà Nội được biết đến với Tranh Hàng Trống, một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, cùng các loại hình âm nhạc, sân khấu dân gian như Rối nước, hát Chèo Tàu. Trong số này, Ca Trù đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp từ 01/10/2009. Văn hóa ẩm thực Hà Nội nổi tiếng với những sản vật tiêu biểu như: Cốm làng Vòng,  bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây và đặc biệt là Phở Hà Nội… 
 
Lễ hội Gò Đống Đa được tổ chức hàng năm
 
Thực tiễn những năm qua chứng minh rằng, với tư cách là một trong những trung tâm lớn nhất ở Việt Nam, cho đến nay, Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò không nhỏ trong cơ cấu kinh tế chung của thủ đô. Kho tàng di sản văn hoá - những tiềm năng và lợi thế của du lịch Hà Nội đã và đang được phát huy có hiệu quả. Nhiều ngành nghề thủ công truyền thống không những được phục hồi mà còn đã và đang phát triển mạnh mẽ. Không ít lễ hội dân gian được khôi phục và trở thành những sinh hoạt văn hoá truyền thống đặc sắc, những nhu cầu tinh thần không thể thiếu, không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, mà còn có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra những hiệu quả của các hoạt động kinh doanh phát triển du lịch. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả không thể phủ nhận, các hoạt động quản lý bảo tồn di tích ở Hà Nội cũng còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân cơ bản là do những khó khăn về mặt kinh tế trong một thời gian của đất nước cũng góp phần làm mai một những di sản phi vật thể, đặc biệt là các nghề thủ công truyền thống. Bản thân các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích cũng còn gặp nhiều khó khăn về mặt kinh phí, chuyên môn và quản lý của từng địa phương…
 
Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia: Trước những thách thức mới và yêu cầu mới của sự nghiệp phát triển bền vững, Hà Nội cần tăng cường việc đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đổi mới các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Hà Nội. Tăng cường việc phối, kết hợp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên ngành trong việc xây dựng và thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, và định hướng đến năm 2030”. 
 
Đặc biệt, cần tiếp tục tập trung kiểm kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng các di sản văn hoá và thiên nhiên, kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể tại tất cả các quận, huyện, tạo cơ sở xây dựng và triển khai những dự án đầu tư, nâng cấp các di sản này bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Trong đó, có việc điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy hoạch phát triển du lịch của các địa phương nói chung và quy hoạch các khu du lịch trọng điểm nói riêng…

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t