Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến đến hơn 200 cán bộ, giảng viên, sinh viên Cao đẳng Y tế Hà Đông (16:13 01/12/2016)


HNP - Chiều 1/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông tổ chức buổi nói chuyện, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016) tới trên 200 cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường.  

Thầy Nguyễn Danh Thụ nói chuyện với trên 200 cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Đông


Tại buổi nói chuyện, các giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông đã được nghe thầy Nguyễn Danh Thụ, giảng viên cao cấp môn lịch sử, báo cáo viên Ban Tuyên giáo Thành ủy trao đổi về những thời khắc lịch sử 70 năm về trước, khi cả nước nhất tề đứng lên hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đặc biệt đi sâu phân tích bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để thấy rõ ý nghĩa lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác. Những câu chuyện thực tế về sự chiến đấu, hy sinh đầy oanh liệt của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thủ đô cũng như cả nước được báo cáo viên kể lại đã thu hút các sinh viên chăm chú lắng nghe. 
 
Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng non trẻ phải đối phó với muôn vàn khó khăn, đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, trong nước là giặc đói, giặc dốt, giặc nội phản hoành hành. Bên ngoài, giặc ngoại xâm liên tục gây hấn nhằm lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với dã tâm cướp nước ta 1 lần nữa, ngày 23/9/1945, dưới sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu chiến tranh Đông Dương lần thứ 2, rồi mở rộng đánh chiếm Nam bộ, gây gấn ở miền Trung, tìm cách đưa quân ra Bắc bộ. Với chủ trương cứu vãn hòa bình, Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ động đàm phán với Pháp để tránh chiến tranh, giữ hòa bình cho cả 2 dân tộc, giữ độc lập tự do cho Tổ quốc, rồi ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, Tạm ước 14/9/1946, song thực dân Pháp quyết chiếm nước ta 1 lần nữa.
 
Trước bối cảnh đó, ngày 18 và 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, quân và dân Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.
 
Thực hiện nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao là tổ chức chiến đấu, đánh địch trong lòng thành phố, nhằm tiêu hao sinh lực địch và giam chân chúng trong thành phố càng lâu càng tốt, tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ có thời gian rút về an toàn khu, đồng thời để cho cả nước chủ động chuẩn bị bước vào cuộc chiến trường kỳ, trong 60 ngày đêm đầu cuộc chiến, mặc dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, thiếu thốn, lại phải chiến đấu với kẻ địch tinh nhuệ, vũ trang hiện đại, song với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô đã thể hiện khí phách anh hùng, kiên cường chiến đấu, mưu lược dũng cảm, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh anh dũng. Quân và dân Thủ đô đã hoàn thành vẻ vang những nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho.
 
Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 trở thành một sự kiện trọng đại, mở màn cho cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp và sau đó là hơn 20 năm chống đế quốc Mỹ, đã đi vào lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi về lòng yêu nước, tinh thần anh dũng, bất khuất của quân và dân ta trước những kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Toàn dân tộc Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nhất tề đứng lên chống lại quân xâm lược với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t