Đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền, tăng cường kiểm tra để nâng cao chất lượng phục vụ (14:11 03/07/2024)


HNP - Sáng 3/7, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội, các đại biểu đã tập trung vào nội dung nâng cao chất lượng làm việc của cán bộ, công chức, tìm nguyên nhân tình trạng chậm giải quyết hồ sơ tại một số sở.  

Đại biểu Lê Thị Thu Hằng, Tổ đại biểu quận Tây Hồ, chất vấn tại hội trường


Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng, tổ đại biểu huyện Thường Tín đề nghị Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư quan tâm để nâng cao chất lượng làm việc của cán bộ, khắc phục tình trạng chậm giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh.
 
Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng, tổ đại biểu huyện Thường Tín, đặt câu hỏi chất vấn
 
Về nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, trong 3 năm, Sở có 16.157 hồ sơ đăng ký kinh doanh bị chậm, muộn. Số tuyệt đối lớn nhưng tính trung bình mỗi năm chỉ tỷ lệ chậm muộn là 0,7%. Trong 3 năm, Sở đã giải quyết trên 762 nghìn hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn, trung bình mỗi ngày giải quyết hơn 1.000 hồ sơ.
 
Lý giải về nguyên nhân, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân: nguyên nhân khách quan liên quan đến cơ quan thuế và thực hiện toàn trình trên hệ thống quốc gia nên có những thời điểm có sự cố... "Qua việc này, chúng tôi cố gắng thời gian tới công tác cải cách hành chính của Sở tốt hơn", đồng chí khẳng định.
 
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân trả lời chất vấn
 
Đồng thời cho biết, qua kiểm tra công vụ cũng như giám sát của HĐND Thành phố, Sở đã tiến hành rà soát 3 quy chế: quy chế làm việc, quy chế đánh giá cán bộ hàng tháng gắn với Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy và phân công nhiệm vụ giữa các phòng, ban. Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục thường xuyên rà soát quy trình nội bộ. Theo đó, đã rà soát, ban hành 42 quy trình nội bộ. Trong năm nay, sẽ tiếp tục rà soát ban hành và sẽ đưa ra bộ phận "một cửa" với các quy trình đủ điều kiện để dễ quản lý và tránh nhũng nhiễu tới người dân, doanh nghiệp.
 
Sở sẽ tham mưu UBND Thành phố ban hành quy trình liên thông giữa các sở, ngành để hạn chế tình trạng chậm muộn; xác định đầu mối để cùng các sở, ngành cùng cơ quan đầu mối tham mưu kịp thời cho Thành phố nội dung thuộc thẩm quyền. Cùng với đó, sẽ phối hợp rà soát quy chế phối hợp với Văn phòng UBND, các Ban HĐND Thành phố để ban hành quy trình nội bộ.
 
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam trả lời chất vấn
 
Trả lời đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng liên quan đến nội dung giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, Sở luôn coi đây là nội dung trung tâm và thường xuyên quan tâm việc giải quyết công việc tại bộ phận một cửa và một cửa liên thông. Hiện, ngành Tài nguyên và Môi trường có 107 thủ tục, 100% thủ tục được Thành phố công bố và xây dựng quy trình giải quyết TTHC. Thực hiện Luật Đất đai năm 2024, Sở sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện theo Luật.
 
Đối với một số liên quan vướng mắc như hơn 300 hồ sơ chậm muộn của ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cho rà soát và nếu có chậm muộn, sẽ cho gửi công văn xin lỗi. Tuy nhiên, có một số hồ sơ do lỗi của cán bộ, Sở sẽ tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
 
Đống chí Lê Thanh Nam thông tin: Từ đầu năm 2024, Sở tiếp nhận hơn 300.000 hồ sơ và đã giải quyết xong 267.000 hồ sơ. Riêng TTHC, Sở kiểm soát hàng tuần và xây dựng minh bạch nội dung giải quyết hồ sơ tránh tình trạng không thống nhất quan điểm giữa các phòng, ban.
 
Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng trả lời chất vấn
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Thu Hằng, Tổ đại biểu quận Tây Hồ, về việc tham mưu UBND thành phố Hà Nội sau khi đã đẩy mạnh phân cấp ủy quyền, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết: Hiện nay, theo quy định, TTHC gồm 2 loại: TTHC và TTHC nội bộ.
 
Liên quan đến đơn giản hóa TTHC, tổng số TTHC trên toàn Thành phố là 1.875 TTHC, đến nay đã phân cấp, ủy quyền 613 TTHC. Thành phố đang rà soát, dự kiến, sẽ tiếp tục phân cấp, ủy quyền 517 TTHC. Trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ đơn giản hóa TTHC phải đạt trên 57%. Như vậy, tỷ lệ của Hà Nội đã cao hơn mức trung bình của cả nước (Chính phủ quy định là trên 20%).
 
Xác định đơn giản hóa TTHC là việc phải triển khai sớm, Văn phòng UBND Thành phố và các sở, ngành, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng và đơn giản hóa được 1.070/1.875 TTHC (đạt 50,4%)..
 
Đối với TTHC nội bộ, đến nay, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch và nhận diện 5 bước triển khai. Thành phố đã chủ động nhận diện 5.545 TTHC nội bộ toàn Thành phố, trong đó, UBND Thành phó có 130 TTHC; cấp sở 40 TTHC; cấp quận, huyện, thị là 1.808 thủ tục; cấp xã 3.001 TTHC và 146 thủ tục liên thông. Trên cơ sở nhận diện này, đến nay, cấp Thành phố đã đơn giản hoá đạt tỷ lệ 23,8% trên 20% TTHC được giao.
 
Liên quan đến tổ công tác đôn đốc, Thành phố thành lập tổ công tác, từ 8/2023 đến 2/7/2024, có 74.661 nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ chậm muộn trước đây là 21% nhiệm vụ Trung ương, Thành ủy, HĐND Thành phố giao đến nay giảm còn 12%. Tổ công tác đã ký 25 văn bản nội bộ, họp 15 cuộc, qua đó, đã góp phần làm thay đổi nhận thức các sở, ngành, quận, huyện và thành lập tổ chuyên trách để đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
Sau khi Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”ban hành, Văn phòng UBND Thành phố đã ban hành trên 524 văn bản đôn đốc và phê bình trách nhiệm các sở, ngành, từ đó, đã tạo chuyển biến rất tích cực, nâng cao ý thức trong thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành.

Vương Vân - Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t