Họp bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi (09:15 15/03/2019)


HNP - Chiều 14/3, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tham dự có lãnh đạo UBND của 17 tỉnh, thành phố và các cơ quan tham mưu thuộc Bộ NN&PTNT. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã tham dự cuộc họp.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, tính đến 14/3, dịch bệnh đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 23.442 con. Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày. Các ổ dịch xuất hiện chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chưa xuất hiện tại các trang trại nuôi tập trung quy mô lớn.
 
Nguyên nhân xuất hiện dịch là do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn đến dịch bệnh lây lan.
 
Bên cạnh đó, vi rút dịch tả lợn Châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi; trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một trong các giải pháp là phải tập trung phòng ngừa dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Quan trọng nhất là thực hiện vệ sinh chuồng trại nuôi; tiến hành các biện pháp dập dịch theo kịch bản đã ban hành. Đặc biệt, khi phát hiện có dịch cần báo ngay cho cơ quan thú ý để có biện pháp xử lý. Đồng thời, quản lý chặt chẽ vận chuyển lợn, thực hiện theo quy mô từng địa phương.
 
Một giải pháp nữa là các địa phương cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ tiêu hủy đàn lợn bệnh; tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách hỗ trợ, ngăn chặn tình trạng bán tháo lợn bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn. Đặc biệt, rà soát lại toàn bộ quy trình phòng, chống dịch, từ đó có giải pháp căn cơ hơn. 
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Hà Nội đang quyết liệt chỉ đạo các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế bệnh lây lan. Trong đó, Hà Nội chú trọng các biện pháp an toàn sinh học, phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Thành phố đã yêu cầu các địa phương chủ động nguồn dự phòng để hỗ trợ nhanh nhất cho các hộ có lợn bị tiêu hủy. Hiện, mức giá thành phố đang áp dụng hỗ trợ thấp nhất là 38.000 đồng/kg, thời gian hỗ trợ chậm nhất trong vòng 1 tuần… 
 
Theo lãnh đạo thành phố, trong thời gian sớm nhất, thành phố sẽ chỉ đạo các quận, huyện, thị xã ra quân tổng vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi. Thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm từ lợn được bình thường…
 
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT, rà soát kế hoạch, phương án ứng phó bệnh dịch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các địa phương cần lưu ý kiểm soát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi của các hộ nhỏ lẻ; lấy giải pháp an toàn sinh học là quan trọng: Xử lý môi trường tại tất cả hộ chăn nuôi bằng vôi bột; xử lý thức ăn bằng nhiệt; xử lý sinh học ngay chính người chăn nuôi… Các tỉnh, thành phố tập trung quán triệt cho các hộ chăn nuôi lớn cảnh giác cao độ trong phòng, chống bệnh dịch; linh hoạt trong cơ chế hỗ trợ nhân dân có lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy.
 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ đạo Cục Thú y nghiên cứu cụ thể nguyên nhân lây lan bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Các cơ quan, địa phương tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với sản phẩm thịt lợn, bởi thực tế, vi rút gây bệnh này chỉ lây truyền trong đàn lợn nuôi và lợn rừng; không lây nhiễm sang người.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t