Đại hội đại biểu Phật giáo TP Hà Nội thành công tốt đẹp (14:43 03/07/2017)


HNP - Sáng 3/7, tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô đã diễn ra phiên toàn thể Đại hội đại biểu Phật giáo thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022. Các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội; Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, TP Hà Nội cùng 750 đại biểu đại diện cho tăng, ni, phật tử Thủ đô dự Đại hội. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao bức trướng cho Ban trị sự GHPGVN TP Hà Nội


Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: Từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long thì Phật giáo Thủ đô trở thành trung tâm của công cuộc hoằng dương Phật pháp. Qua nhiều thế kỷ, có nhiều thiền sư đã hết lòng hết sức giúp các triều vua trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Tiêu biểu như Thiền sư Ngô Chân Lưu, Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Mãn Giác, Thiền sư Minh Không... Đặc biệt, có nhiều nhà vua đã trở thành Tổ của các Thiền phái như vua Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông... Ở bất kỳ cương vị nào, các vị Thiền sư đều lấy việc phụng sự sơn hà xã tắc, phục vụ chúng sinh, lấy chủ nghĩa yêu nước chân chính làm nền tảng phương pháp tu hành, hoằng dương chính pháp.
 
Thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, TP Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Phật giáo Thủ đô phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc. Từ khi thành lập năm 1981 đến nay, trải qua 7 nhiệm kỳ, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP Hà Nội và Ban trị sự GHPGVN các quận, huyện, thị xã luôn được hoàn thiện về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1981, toàn TP có chưa đầy 100 tăng, ni, hàng năm chỉ tổ chức 1 trường hạ an cư, số lượng tăng, ni tốt nghiệp Học viện Phật giáo còn khá khiêm tốn thì đến nay, số thành viên chính thức của Thành hội lên tới 2.050 vị, trụ trì và trông nom, quản lý 1.632 ngôi tự viện. Năm 2016, Ban trị sự Thành hội tổ chức 17 trường hạ an cư với gần 1.500 vị đăng ký an cư kết hạ.
 
Công tác hoằng dương Phật pháp, bài trừ mê tín, hủ tục và các tệ nạn xã hội ngày càng được đẩy mạnh. Nhiều tự viện đã được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn những giá trị kiến trúc, văn hóa dân tộc. Đặc biệt, xuất phát từ đạo lý “từ bi cứu khổ”, hàng năm, các tăng, ni, phật tử đã quyên góp hàng chục tỷ đồng trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ các địa phương bị thiên tai, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi các gia đình chính sách... Nối tiếp truyền thống của các bậc tiền bối, các tăng, ni, phật tử Thủ đô đã tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Nhiều tăng, ni đã tích cực tham gia đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, tham gia Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trực tiếp mang trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô, đất nước, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại Đại hội
 
Thay mặt lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - UB MTTQ TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn tán dương công đức của các bậc tiền bối và biểu dương những đóng góp to lớn của các tăng, ni, phật tử trong công cuộc phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Thủ đô.
 
“Trong nhiệm kỳ mới, lãnh đạo và nhân dân Thủ đô luôn tin tưởng các vị chức sắc cùng toàn thể tăng, ni, phật tử Thủ đô sẽ viết tiếp trang sử vàng truyền thống của Phật giáo Thủ đô về tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, hộ quốc an dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, quyết tâm cùng toàn dân xây dựng cuộc sống với, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần để Hà Nội xứng đáng với danh hiệu cao quý: Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình”, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
 
Ghi nhận những đóng góp của GHPGVN TP Hà Nội cùng các tăng, ni, phật tử Thủ đô trong việc xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ban trị sự GHPGVN TP Hà Nội và Huân chương Lao động hạng Ba cho Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 9 cá nhân và Chủ tịch UBND TP tặng Bằng khen cho 32 cá nhân. 
 
Đại hội đã nhất tâm bầu Ban trị sự GHPGVN TP Hà Nội khóa VIII, nhiệm kỳ 2017-2022 với 75 vị, Ban Thường trực với 19 vị. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm tiếp tục được suy tôn làm Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội khóa mới.
 
Chúc mừng thành công của Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã trao tặng Ban trị sự GHPGVN TP Hà Nội bức trướng “Đoàn kết hòa hợp, ổn định, kế thừa và phát triển, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
 
Một số hình ảnh tại Đại hội đại biểu Phật giáo thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022:
 
Quang cảnh Đại hội
750 đại biểu đại diện cho hàng triệu tăng, ni, phật tử Thủ đô tham dự Đại hội
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng
trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ban trị sự GHPGVN TP Hà Nội
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 9 cá nhân
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn trao Bằng khen của UBND TP cho 32 cá nhân
Ban trị sự GHPGVN TP Hà Nội khóa VIII ra mắt Đại hội

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t