Huyện Gia Lâm: Chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (11:32 10/07/2018)


HNP - Trong những năm gần đây, kinh tế huyện Gia Lâm có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng đô thị hóa, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng nhiều dần đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm để đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng trên địa bàn.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền

Hiện, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 2.221 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trong đó, có 537 cơ sở sản xuất, 680 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 866 cơ sở dịch vụ ăn uống; 138 cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố. Ngoài ra, còn các cơ sở sản xuất ban đầu, gồm: 6.192 hộ chăn nuôi; Về trồng trọt: 608,33ha rau; 782,7ha cây ăn quả; 50 cơ sở, hộ giết mổ; 04 siêu thị và 32 cửa hàng tiện ích.

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đảm bảo ATTP. Ngành y tế đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho Ban Giám hiệu các trường học, tổ trưởng tổ nuôi các trường mầm non trên địa bàn cho 306 người; tổ chức tập huấn đảm bảo ATTP trong xây dựng NTM cho 105 người; 02 lớp tập huấn cho BCĐ các xã, thị trấn; 03 lớp tập huấn cho cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm...Ngoài ra, tổ chức Hội thảo về đảm bảo ATTP trong bếp ăn trường học với các doanh nghiệp và trường học; phát trên 20.000 tờ rơi về ATTP; treo 151 băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính xã, liên thôn. Hệ thống truyền thanh các cấp đã tuyên truyền 179 tin bài với 1.354 lượt phát thanh; Tổ chức 15 buổi tuyên truyền lồng ghép sinh hoạt các câu lạc bộ với sự tham gia của 1.260 người…

Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, đã cấp phát 1.100 tờ hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ, 1.350 tờ hướng dẫn sản xuất rau trái vụ; tập huấn 26 lớp cho 6 xã vùng RAT với 2.100 lượt nông dân tham dự; tổ chức 19 lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật và hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh; cấp phát 2.800 nhật ký thuốc Bảo vệ thực vật, 10.000 tờ rơi về quy trình sản xuất rau hữu cơ.

Trong lĩnh vực thú y, đã cấp phát 5.800 tờ rơi tuyên truyền phòng cúm gia cầm, 300 tờ rơi tuyên truyền sản xuất, sơ chế, chế biến đảm bảo ATTP; kiểm tra và hướng dẫn 14 điểm kinh doanh giết mổ gia súc theo đúng quy trình.

Trong lĩnh vực công thương, huyện đã tổ chức 22 lớp tại 22 xã, thị trấn tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với 2.016 người tham gia về quy định ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế tài xử phạt vi phạm các điều kiện về ATTP trong lĩnh vực công thương…

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, các đoàn thể cũng tích cực tuyên truyền đến các hội viên các nội dung đảm bảo ATTP. Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp tổ chức 36 buổi tuyên truyền, 7 buổi tọa đàm về vệ sinh ATTP; tuyên truyền, hướng dẫn và thảo luận cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm sạch trong gia đình gắn với tuyên truyền cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” cho 6.450 lượt người; 100% cơ sở Hội đăng ký và triển khai thực hiện mô hình “Vệ sinh ATTP”; mô hình cánh đồng rau sạch, an toàn, không dùng thuốc sâu, thuốc bảo quản tại vườn cây ăn quả… Chỉ đạo thành lập 10 chi hội thay đổi hành vi trong ATTP tại các chi hội phụ nữ. Đáng chú ý, Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức thành công Hội thi “An toàn thực phẩm - Vì sức khỏe cộng đồng” cấp huyện năm 2017 với 07 đội tham gia; 

Hội Nông dân có 25.30 hội viên đăng ký thực hiện Cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Hội đã tổ chức 28 buổi tuyên truyền về vệ sinh ATTP và Nghị quyết 27 của Trung ương Hội, 02 tọa đàm về sử dụng thực phẩm an toàn.

Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm 

Song song với công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng của huyện đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm. Tại cấp huyện, đã thành lập 03 đoàn kiểm tra liên ngành; cấp xã, thị trấn 22 đoàn. Kết quả, cấp huyện đã kiểm tra 793 cơ sở, phát hiện 268 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 163 cơ sở với số tiền hơn 491 triệu đồng; tịch thu tiêu hủy nhiều vi phạm hàng hóa. Cấp xã, thị trấn đã kiểm tra 1.503 cơ sở, qua đó, phát hiện 179 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm 13 cơ sở, trong đó, phạt tiền 11 cơ sở với số tiền 32,7 triệu đồng.

Tính đến nay, huyện đã cấp GCN đảm bảo ATTP lĩnh vực y tế cho 68 tập thể và 369 cá nhân với tổng số 683 người; 31 nhà hàng, lũy tích đến nay đã cấp 123/141 cơ sở, đạt 87%. Lĩnh vực nông nghiệp: đã kiểm tra và cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 58 người, 25 cơ sở đủ điều kiện; tổ chức ký cam kết 4508/4878 hộ sản xuất RAT, đạt 92,4%; 6154/6601 hộ chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đạt 93,2%...

Diện tích rau đã được cấp GCN đủ điều kiện sản xuất RAT: 397,3/608,33%, diện tích quả được cấp GCN đủ điều kiện sản xuất quả an toàn: 382,45/782,7ha. Trong lĩnh vực công thương: đã kiểm tra 260/290 cơ sở sản xuất, tỷ lệ 89,65%; 12 cơ sở đã được cấp GCN đủ điều kiện ATTP; kiểm tra 137/150 cơ sở kinh doanh, đạt tỷ lệ 91,3%; đã có 130/150 cơ sở (86%) thực hiện ký cam kết ATTP theo phân cấp. Kết quả, năm 2017, Huyện Gia Lâm đã được thành phố tặng Cờ thi dua trong công tác đảm bảo ATTP.

Từ thực tế công tác đảm bảo ATTP thời gian qua, để phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác ATTP, trong thời gian tới, huyện Gia Lâm kiến nghị Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về phân cấp quản lý đối với các hộ kinh doanh trong chợ, ngoài chợ. Đồng thời, có cơ chế đảm bảo kinh phí trong công tác kiểm tra, giám sát ATTP tại tuyến huyện, xã.
 
Đối với Thành phố, các ngành, huyện đề nghị TP sớm có hướng dẫn chung về việc phân công cán bộ kiêm nhiệm làm chuyên trách công tác ATTP tại các xã, thị trấn; Sớm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến huyện, xã.

Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t