Phát huy thế mạnh xây dựng nông thôn mới ở Đan Phượng (12:51 03/08/2017)


HNP - Chương trình xây dựng NTM đã giúp Đan Phượng "thay da đổi thịt" với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Đan Phượng, để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Mô hình trồng hoa ly đã đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Hạ Mỗ, Đan Phượng


Thực tế trong xây dựng NTM cho thấy, để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững, vấn đề quan trọng hàng đầu là tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển nông nghiệp theo vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. 
 
Tổng diện tích chuyển đổi vụ Xuân năm 2017 đạt 91ha, gồm: hoa 37ha; rau 24,5ha; cây ăn quả 20,5ha, lúa - cá 6,4ha; dong riềng, cây thuốc 5,6ha. Vừa qua, huyện cũng hoàn thành dự án xây dựng nhà màng lưới trồng rau an toàn trường mầm non Phương Đình, Thọ Xuân. Hiện, đã sản xuất ổn định, tạo ra sản phẩm rau an toàn cung cấp cho các cháu trường mầm non trên địa bàn huyện. 
 
Để phát huy thế mạnh của sản phẩm nông nghiệp truyền thống ở địa phương, UBND huyện đã triển khai hỗ trợ các vùng sản xuất hoa lily chất lượng cao, rau an toàn, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, thùng chứa thuốc bảo vệ thực vật cho vùng sản xuất tập trung với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp của huyện cũng dần tháo gỡ được khó khăn, đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất của các xã trong huyện, xây dựng được những mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng trên toàn huyện. 
 
Đặc biệt, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã phối hợp với tập đoàn VinGroup triển khai thực hiện dự án khu nghiên cứu phát triển giống cây trồng công nghệ cao tại xã Song Phượng với diện tích 9,44ha. Tập trung sản xuất các sản phẩm giống rau, củ, quả cao cấp, khảo nghiệm giống mới, trình diễn quy trình kỹ thuật phục vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ cao, lưu giữ nguồn gen cây trồng quý, mới. Khu nghiên cứu sẽ phát triển chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch trong bảo quản, chế biến nông sản. 
 
Về thực hiện xây dựng NTM, vừa qua, huyện đã tập trung nghiên cứu hoàn thành quy hoạch khu trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn, lựa chọn các đơn vị tư vấn lập quy hoạch xây dựng khu trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn. Để hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, huyện đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng năm 2017 với tổng 124 dự án, tổng kế hoạch bố trí 267,8 tỷ đồng. Trong đó có 7 dự án chuẩn bị đầu tư; 44 dự án hoàn thành và chuyển tiếp; 73 dự án mới. 
 
Để chất lượng các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cao, huyện đã hoàn thành xây dựng 0,371km đường trục thôn; chỉnh trang 1 tuyến đường thôn dài 0,65km; 12 nhà văn hoá thôn, cụm dân cư… Hiện đang hoàn tất thủ tục chuẩn bị khởi công các dự án trường mầm non Đan Phượng, nhà văn hóa thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp, mở rộng nhà văn hóa cụm 10 thôn Hòa Bình xã Thọ Xuân; Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trụ sở làm việc HĐND, UBND huyện Đan Phượng, Trường mầm non 2 Tân Hội, Trường mầm non Tân Lập... 
 
Riêng trong lĩnh vực văn hóa, huyện đã đã hỗ trợ 468 triệu đồng chi hoạt động thường xuyên cho các nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Đã triển khai có hiệu quả đề án nâng cao chất lượng quản lý, khai thác sử dụng Nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn huyện và nhân rộng các mô hình nhà văn hóa có hoạt động tốt tại các thôn, phố, cụm dân cư. 
 
Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng: ngay sau khi đón nhận huyện NTM, huyện đã bắt tay vào triển khai kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó huyện đã lựa chọn 3 xã gồm Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Theo Chủ tịch UBND huyện, 3 xã này có đủ các điều kiện đặc biệt là về phát triển kinh tế, trong đó có công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có thương mại phát triển. 
 
Đặc biệt 3 xã có định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Ở các xã này huyện đã kêu gọi các hộ dân có điều kiện và các doanh nghiệp tích cực đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đã có nhiều doanh nghiệp nghiên cứu diện tích đất (theo quy hoạch của huyện) để sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao. Tính đến nay, có 3 doanh nghiệp đang nghiên cứu sản xuất trên 60ha, việc này đang được trình các đơn vị của thành phố để phê duyệt dự án…
 
Theo lãnh đạo huyện, để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân thì vẫn còn nhiều việc phải làm, vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đã chuyển thêm được hơn 90ha diện tích lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng hoa, cây ăn quả, cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao hơn cho nhân dân. Ngoài ra, tập trung phát triển sản xuất huyện cũng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung, trong đó hoàn thiện hệ thống giao thông mang tính kế nối giữa các trục đường chính với các thôn tới trung tâm xã, để tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ… 
 
Để tạo môi trường xanh - sạch - đẹp cho khu vực nông thôn, huyện đã họp bàn thống nhất với nhân dân quyết định giữ gìn và phát huy hiệu quả của 150 ao môi trường, các ao đã được người dân tham gia cùng sửa chữa có hệ thống thoát nước, không bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực triển khai xây dựng kế hoạch “đường có hoa nhà có số”, hoàn thành việc đặt tên các tuyến đường và vận động nhân dân đã tự nguyện trồng hoa, tự chăm sóc các loại hoa do mình trồng đến nay đã được khoảng 20km.
 
Có thể nói, thành công của huyện Đan Phượng trong xây dựng NTM là minh chứng sinh động cho chủ trương đúng đắn của Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống ở ngoại thành và người dân thực sự đóng vai trò làm chủ.
 
Theo mục tiêu UBND huyện đặt ra, trong năm 2017 và 2018 huyện sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu xây dựng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.  
 
Trong đó xây dựng 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2018. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thịt lợn tại Trung Châu và rau an toàn tại Phương Đình.
 
Để chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn ngày càng được nâng cao, huyện phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới giảm còn 1,95%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 83%; môi trường sinh thái được bảo vệ.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t