Gia Lâm phát huy hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở (20:35 11/05/2017)


HNP - Gia Lâm là huyện ngoại thành ở phía Đông của Thủ đô Hà Nội, có 20 xã, 2 thị trấn, 192 thôn, làng, tổ dân phố và dân số hiện trên 27 vạn người. Thời gian qua, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình hạ tầng xã hội được triển khai, nhưng do thực hiện tốt dân chủ ở địa phương nên huyện đã hoàn thành nhiều mục tiêu kinh tế xã hội, giữ vững ổn định xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát huy dân chủ ở cơ sở, BCH Đảng hộ huyện khóa XX đã ban hành Chương trình 08-CTr/HU của Huyện ủy về “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Để triển khai, huyện đã tăng cường quán triệt, tuyên truyền các chủ trương của Trung ương, Thành phố và huyện về thực hiện quy chế dân chủ. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” được thể hiện rõ hơn. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ được thực hiện thường xuyên đối với 100% các chi, đảng bộ khối xã, thị trấn; công tác rà soát bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện quy chế, quy ước đảm bảo cơ bản đáp ứng yêu cầu; quy chế dân chủ được phát huy trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo quy chế dân chủ các cấp từng bước được nâng cao; thường xuyên kiện toàn bổ sung các thành viên đảm bảo kịp thời và đầy đủ theo đúng quy định.

Nhờ đó, công tác triển khai và tổ chức thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về thực hiện dân  chủ ở xã, thị trấn trong toàn huyện đạt kết quả quan trọng. Công tác xây dựng và ban hành các quy chế, quy ước, hương ước… đảm bảo chất lượng và đầy đủ. Hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được khẳng định, quyền làm chủ trực tiếp được phát huy, nhân dân đã tích cực tham gia giám sát các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương. Thông qua đó, việc thực hiện quy chế dân chủ không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế chủ yếu đó là: Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở một số địa phương hoạt động còn hạn chế, hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao; việc rà soát, bổ sung xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong loại hình mới tại một số nơi còn chậm và hình thức. Một số nội dung công khai, dân được biết, kiểm tra trong triển khai thực hiện dự án xây dựng, giải phóng mặt bằng, công tác dồn điền đổi thửa, một số khoản thu đóng góp của nhân dân…có lúc, có nơi chưa thực hiện nghiêm túc.

Trong những năm tới, huyện Gia Lâm sẽ có tốc độ đô thị hóa nhanh, tiếp tục chịu sự tác động về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, môi trường còn nhiều phức tạp…Những thách thức mới, đòi hỏi phải có sự nỗ lực cố gắng, tinh thần quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân trong quá trình triển khai nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện, đòi hỏi việc thực hiện dân chủ ở cơ sở phải được triển khai thường xuyên, liên tục.

Do đó, trong Đề án “tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của UBTVQH (khóa XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020, huyện Gia Lâm đã đề ra một số giải pháp chủ yếu như:

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chính quyền trong tổ chức thực hiện các nguyên tắc, nội dung công khai, nội dung bàn, quyết định trực tiếp; đảm bảo vai trò của nhân dân bàn, biểu quyết và các nội dung tham gia. Cụ thể, nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của Đảng. Thường xuyên nắm chắc tình hình nhân dân, kịp thời chỉ đạo, giải quyết các vấn đề bức xúc, không để hình thành điểm nóng phức tạp ở địa phương. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp Chính quyền trong tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo đó, thực hiện tốt chế độ dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp thông qua việc phát huy vai trò, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của HĐND, UBND. Thực hiện nghiêm túc chế độ dân chủ trực tiếp để nhân dân được tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc của địa phương, cơ sở; những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thực của nhân dân.

Phát huy vai trò và tăng cường trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quan tâm phát huy vai trò người cao tuổi, chức sắc tôn giáo, người có uy tín… trong cộng đồng dân cư, nhằm tuyên truyền, phổ biến sự gương mẫu việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các tầng lớp nhân dân.


Diệp Liên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t