Sự vào cuộc của chính quyền địa phương cùng với các dây chuyền công nghệ sẽ mang lại hiệu quả cao trong cải thiện môi trường (16:10 21/03/2022)


HNP - Hà Nội là địa phương đứng thứ hai trong cả nước về mức độ rác thải, cộng thêm mỗi năm, trung bình dân số tăng khoảng 200.000 người - gây áp lực lớn lên ngành môi trường. Trong bối cảnh đó, Thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải. Nhờ vậy, đến nay, công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn Thành phố đã có những chuyển biến tích cực. 

Ban Đô thị HĐND Thành phố Hà Nội giám sát kết quả thực hiện Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, huyện Hoài Đức


Sau khi Nghị định 32/2019/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định 130/2013/NĐ-CP, công tác thu gom, xử lý rác ở đại đa số 30 quận, huyện của Hà Nội đã được tổ chức đấu thầu. Đây được coi là một trong những bước tiền đề đầu tiên trong vấn đề cạnh tranh công bằng, minh bạch trong ở lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế, tồn tại… như vướng mắc tại các điểm thu gom, trung chuyển… Bởi, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có những điểm dân cư, xóm, ngõ, làng có cự ly rất xa với các điểm thu gom rác… Vì vậy, việc thu gom, xử lý rác theo định mức đơn giá hiện tại sẽ khó thực hiện, nếu không có các điểm trung chuyển phù hợp.
 
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại về cơ sở hạ tầng. Thực tế, hiện nay, các xe chờ để lấy rác, các điểm chứa rác vẫn còn thiếu, chưa hiện đại, khiến rác thải tồn ứ, gây tắc nghẽn giao thông… Những tồn tại ấy chính quyền Hà Nội cũng đã nhận ra và có hướng giải quyết như tăng chế tài đối với các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, xử lý rác còn chậm, chưa tốt… Do đó, trong lĩnh vực đấu thầu dịch vụ công tại Hà Nội có những đơn vị chỉ có thời hạn 3 năm, có đơn vị là 5 năm. 
 
Từ nhiệm kỳ trước, Hà Nội đã có nghị quyết về tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn ở đô thị là 100%, hiện nay, đã đạt được mục tiêu này. Còn mục tiêu về thu gom rác thải nông thôn đạt tiêu chuẩn 95% chưa hoàn thành bởi tỷ lệ thu gom rác thải nông thôn mới chỉ đạt hơn 80%. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có thể một số đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ do những yếu tố khách quan, chủ quan. Cụ thể, hiện nay, khu vực nông thôn của Hà Nội chưa đạt chỉ tiêu đề ra, vì ở đó chưa kiểm soát tốt việc bà con đổ rác thải ra ruộng đồng, kênh mương,…
 
Các quy định cũng đã phân cấp trách nhiệm rất rõ đến chính quyền của các quận, huyện, xã, phường và sẽ xử lý người đứng đầu nếu địa phương đó không đạt các tiêu chí đề ra. Đây là thước đo không chỉ của các cơ quan tài nguyên môi trường, thanh tra chính quyền các quận, huyện mà bản thân HĐND TP Hà Nội cũng đã áp dụng các tiêu chí này. Tuy nhiên, việc xử lý còn phụ thuộc vào việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, thu thập thông tin để cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
 
Phối cảnh tổng thể Nhà máy Điện rác tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn 
 
HĐND TP Hà Nội vào cuộc giám sát và đã có phiên giải trình về lĩnh vực tài nguyên môi trường, trong đó, đặc biệt tập trung vào vấn đề thu gom, xử lý rác thải. Thực tế, Thành phố đã có hai bãi xử lý rác lớn nhưng hiện nay, cả hai bãi này đều phải dùng đến các ô khẩn cấp. HĐND Thành phố đã giao cho Ban Đô thị giám sát thật chặt các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Hà Nội cũng đầu tư xây dựng hai nhà máy xử lý rác thải lớn nhất là Nhà máy Thiên Ý với công suất 4.000 tấn; khởi công Nhà máy Điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn, tại thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 khiến Nhà máy Thiên Ý phải tạm dừng hoạt động. Nhà máy Điện rác Seraphin cũng phải thay đổi công nghệ để tiệm cận với công nghệ mới. Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch liên quan đến quy hoạch mạng lưới phát điện cũng đã gây ra nhiều bất cập cho công tác xây dựng các nhà máy điện rác. 
 
Trước tình hình đó, Hà Nội đã rất quyết liệt hỗ trợ các nhà đầu tư, trong thúc đẩy xây dựng các nhà máy xử lý rác. Đặc biệt, Hà Nội đang tổ chức thực hiện lại việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và phân cấp quản lý để thống nhất. Ngoài ra, Hà Nội cũng ban hành Quyết định 14/2021/QĐ-UBND Hà Nội thay thế Quyết định 41/2016/QĐ-UBND Hà Nội về phân cấp. Đặc biệt là phân cấp cho các đơn vị cơ sở tại 30 quận, huyện trong vấn đề là thu gom, xử lý rác cũng như tổ chức đấu thầu các dự án xử lý, thu gom rác thải nhằm làm tăng tỷ lệ thu gom rác trong ngày.
 
Từ thực tế triển khai các dự án cho thấy, để tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư dự án điện rác để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tránh phí nguồn tài nguyên trước tiên cần lựa chọn chất lượng, công nghệ xử lý rác thải phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Cùng với đó, việc lựa chọn công nghệ phải đặt trong các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. 
 
Thành phố Hà Nội đã và đang tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ các chính sách đầy đủ để các nhà đầu tư vào cuộc, tuy nhiên, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở cũng là hết sức quan trọng. Do đó, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, chính quyền cơ sở cũng cần thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm tra hành vi vi phạm trong vấn đề về môi trường. Việc vào cuộc của chính quyền địa phương và sự đồng hành cùng với các dây chuyền công nghệ sẽ mang lại hiệu quả cao trong cải thiện vấn đề môi trường.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t