Hợp tác phát triển nông nghiệp: Mở ra những cơ hội mới (14:07 16/04/2019)


HNP - Lĩnh vực hợp tác quốc tế của Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó, có những dấu ấn của ngành Nông nghiệp. Ngành đã tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ ứng dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Hiệu quả rõ rệt

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội chủ động hội nhập, hợp tác song phương và đa phương để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập người dân. Dấu ấn nổi bật, giai đoạn từ năm 2005 - 2010, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai Dự án bò sữa Việt - Bỉ. Kết quả, đã đưa được các quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò sữa, thúc đẩy chăn nuôi phát triển trở thành ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Jica (Nhật Bản) đào tạo chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật chuyên môn về công tác thụ tinh nhân tạo bò và các hoạt động chuyên môn về quản lý giống, đào tạo đội ngũ thú y cơ sở chuyên môn về bò sữa trên địa bàn thành phố.

Chưa hết, trong lĩnh vực chăn nuôi, trong 2 năm (2016-2017), ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục triển khai dự án nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn theo định hướng quốc tế trên địa bàn thành phố trong khuôn khổ của dự án nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế giữa Bộ NN&PTNT với Hà Lan. Theo đó, Sở NN&PTNT đã cử 1 cán bộ đi học tập tại Hà Lan trong vòng 1 tháng; đồng thời, phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế như Gene+, Jica, De Heus, Fresh Studio,... trong việc chuyển giao giống chất lượng cao, đào tạo cán bộ kỹ thuật, tác nhân tham gia chuỗi, tổ chức liên kết chuỗi.

Ngoài ra, cùng với sự giúp đỡ của Bộ NN&PTNT, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn thành phố cũng thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội: Trung tâm đã nhận được sự hợp tác của nhiều tổ chức quốc tế trong công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã như: Tổ chức hỗ trợ bảo tồn Frankfurt Cộng hòa liên bang Đức; trao đổi thông tin kỹ thuật cứu hộ với Vườn thú Sanchiago của Mỹ,... Do vậy, 100% cán bộ nhân viên Trung tâm đã nắm vững chuyên môn phục vụ công tác cứu hộ động vật hoang dã.

Bên cạnh hợp tác quốc tế và thu được những kết quả trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đã làm việc và tham gia Đoàn công tác do Bộ NN&PTNT tổ chức đi Pháp, Đức học tập kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, giao các nguồn vốn ODA năm 2018 để thực hiện xây dựng các công trình nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp Hà Nội thời gian qua.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định, hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay, là động lực để cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, có những bước đi phù hợp hạn chế tác động bất lợi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy đổi mới tư duy, khoa học công nghệ, xây dựng nội lực nền nông nghiệp mạnh, nâng cao sức cạnh tranh; phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư để khai thác thế mạnh của nông nghiệp, góp phần tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.

Để chủ động hội nhập, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động như: Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư, phát triển năm 2018”, “Hội nghị xúc tiến hợp tác nông nghiệp giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Fukuoka - Nhật Bản”, Hội nghị “Hợp tác các tỉnh phát triển sản xuất, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản nhãn chín muộn TP Hà Nội năm 2018”,... Thông qua các chương trình hợp tác, năm 2018, Hà Nội đã xuất khẩu 19 tấn nhãn chín muộn đi Mỹ và châu Âu; trong đó, vùng trồng nhãn xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) xuất khẩu 18 tấn sang Mỹ; vùng trồng nhãn xã Song Phương (huyện Hoài Đức) xuất khẩu hơn 1 tấn nhãn chín muộn sang thị trường các nước châu Âu. Từ đây, mở ra triển vọng mới cho thị trường cây ăn quả đặc sản của Hà Nội.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đã tổ chức hội nghị xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm nông sản với 21 tỉnh phía Bắc trong chuỗi cung ứng rau, thịt cho Hà Nội. Cùng với đó, giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước kết nối với các cơ sở sản xuất của các địa phương và giới thiệu hệ thống phân phối nông sản tại Hà Nội. Qua đó, đã có nhiều văn bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp được ký kết. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hà Nội tham gia các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm thế mạnh vùng miền, từ đó, thúc đẩy tiêu thụ nông sản và xuất khẩu,... Thông qua xúc tiến thương mại cả trong nước và ngoài nước là kênh thông tin để mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng được đặc biệt chú trọng. UBND thành phố đã giao Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan hỗ trợ, hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t