Đấu giá biển số xe ô tô: Khai thác hiệu quả kho số, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (12:09 27/10/2022)


HNP - Ngày 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV, các đại biểu thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thành phố; Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố, và các vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ


Tại Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ vào hai dự thảo nghị quyết. 
 
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhận định, khi người dân trúng đấu giá thì biển số đó là tài sản tư. Nếu xác định đó là tài sản công thì sẽ hạn chế một số quyền của người dân, như việc chỉ cho phép quyền chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho trong trường hợp biển đã gắn với xe. Còn nếu cho đó là tài sản tư thì phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Khi đó, biển số chưa gắn với xe cũng thuộc quyền sở hữu cá nhân, được cho, tặng, chuyển nhượng, thừa kế không gắn với xe.
 
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt phát biểu tại buổi thảo luận
 
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt đề xuất, về nguồn thu từ đấu giá biển số xe, dự thảo đề xuất Trung ương giữ 70%, địa phương 30%, nhưng do các địa phương có sự khác biệt, nên cần cân nhắc, nguồn thu này chi vào mục đích gì.
 
Về giá khởi điểm, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, việc đấu giá biển số xe ô tô đã được nhiều nước trên thế giới triển khai, trong bối cảnh hiện nay, việc này cần thiết phải triển khai để đảm bảo minh bạch. Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng trường hợp chỉ quy định một mức giá chung thì mức 40 triệu đồng là hợp lý. Cũng theo đại biểu, biển số xe sau khi trúng đấu giá là tài sản của người dân nhưng cần làm rõ Nhà nước sẽ quản lý ra sao, chống đầu cơ như thế nào... 
 
Đại biểu Nguyễn Hải Trung phát biểu tại buổi thảo luận
 
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhất trí với chủ trương thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và cho rằng việc này nên tiến hành ngay, qua đó, khai thác có hiệu quả kho số, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước một cách công khai, minh bạch. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng cần tính toán kỹ phương án quản lý theo địa bàn bởi khi đấu giá rộng rãi thì người dân trên khắp cả nước có thể đấu giá thành công biển số trên địa bàn của tỉnh, thành khác. 
 
Đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình ban hành nghị quyết về đấu giá biển số xe, tuy nhiên, đại biểu đề nghị kho số cần đa dạng hơn, cá nhân có nhu cầu có được quyền chọn số ngoài kho số đưa ra đấu giá.
 
Theo đại biểu Lê Nhật Thành, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là cần thiết nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thành phố. Để hoàn thiện hơn nghị quyết cần bổ sung đánh giá tác động, tập trung vào một số chính sách có ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương.
 
Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tổng hợp thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết phải ban hành hai nghị quyết các nội dung Chính phủ trình.
 
Đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, qua thảo luận đại biểu cơ bản tán thành, đồng thời quan tâm một số nội dung như: Thí điểm theo địa bàn, địa giới hành chính để phù hợp công tác quản lý nhà nước sau cấp biển; đề nghị giao cho tỉnh, thành phố quyết định mức giá khởi điểm, bước giá; đề nghị mở rộng loại biển số đưa ra đấu giá; không nêu biển số xe là tài sản công; lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến;… Đại biểu cho rằng bước giá, giá khởi điểm nên tuỳ theo điều kiện của từng tỉnh, thành phố, nên để địa phương chủ động quyết định. Khi thực hiện đấu giá thì ngân sách cấp nào được hưởng nguồn thu này, chẳng hạn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có nghị quyết đặc thù thì cần được chủ động. Đồng thời, cân nhắc việc đấu giá biển số rộng rãi trên toàn quốc, nên theo địa bàn hành chính, đặc biệt với địa bàn đặc thù như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, để tránh chồng chéo trong quản lý.
 
Về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk Nghị quyết thành phố, đại biểu cho rằng đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù cho thành phố thuộc tỉnh, khẳng định sự quan tâm của Quốc hội tới sự phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành, tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn là nghị quyết đã đảm bảo đủ mạnh để phát triển cả vùng hay chưa, đề nghị bổ sung thêm cơ chế chính sách để đảm bảo thực sự thành phố Buôn Ma Thuột đáp ứng yêu cầu phát triển theo chủ trương của Bộ Chính trị,…

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t