Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về phát triển thị trường lao động (15:36 20/08/2022)


HNP - Sáng 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội, kết nối đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND thành phố có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng các sở ngành liên quan.

Quang cảnh hội nghị


Cầu lao động tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng 
 
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến dài đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập. Nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986), đến nay là 51,4 triệu người (quý II năm 2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014), nay là 67% (6 tháng đầu năm 2022).
 
Cầu lao động tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững. Trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5-1,6 triệu lượt người, tỷ lệ thất nghiệp thường xuyên duy trì ở mức dưới 3%. Các năm 2020-2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%), thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi nhanh chóng trong 8 tháng đầu năm 2022. Nhiều chính sách tạo việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động đã được triển khai nhất quán, liên tục, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sau đại dịch Covid-19. 
 
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và số 116/NQ-CP, từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Hiện nay, các địa phương đang triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, trong đó, cung lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ "hiện đại", chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều…
 
Tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập…
 
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
 
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thị trường lao động Việt Nam đang có sự phát triển tốt; đồng thời, yêu cầu phải khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực, đánh giá chính xác nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
 
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao, tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.
 
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ các giải pháp để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, bao gồm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.
 
Một mặt thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, mặt khác, tăng cường nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân, lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
 
Khẳng định nhiệm vụ chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Đặc biệt, tập trung đầu tư công tác dự báo cung - cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm.
 
Thêm vào đó, hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động. Phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ người lao động tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là thị trường lao động nông thôn, thị trường lao động trình độ cao…
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ LĐTB&XH tiếp thu các ý kiến của đại biểu góp ý, đề xuất tại hội nghị, hoàn thiện nội dung văn bản dưới hình thức nghị quyết hoặc chỉ thị, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động đúng hướng, linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t