Đề xuất cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô (15:12 26/05/2020)


HNP - Dự kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét 10 dự án luật, 04 dự thảo nghị quyết. Liên quan đến Nghị quyết cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô, Hà Nội đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể trình Quốc hội xem xét.

Cụ thể, Hà Nội đề nghị bổ sung nội dung sau: "Giữ ổn định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội là 45% cho giai đoạn 2021-2025". Thực tế trong những giai đoạn vừa qua, việc giảm tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố (giai đoạn 2011-2016 là 42%, giai đoạn 2017-2020 giảm còn 35%). Cơ chế này cùng với các cơ chế chính sách huy động và sử dụng nguồn lực khác sẽ góp phần tạo động lực khuyến khích Thành phố tăng cường công tác quản lý thu, thu đúng, đủ và đảm bảo kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu dự toán giao và hàng năm đều có tăng thu, góp phần ổn định cân đối giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội. Cùng với đó, bổ sung thêm nguồn lực cho Thành phố để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chi trên địa bàn, trong đó, tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án xây dựng cơ bản, dân sinh bức xúc trong các lĩnh vực môi trường, cấp thoát nước, giao thông,... tạo điều kiện cho Thành phố huy động được nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình quan trọng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng của Thủ đô Hà Nội mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Ngoài ra, Hà Nội đề xuất sửa đổi 02 nội dung. Thứ nhất, về việc hỗ trợ địa phương bạn. Theo dự thảo Nghị quyết quy định HĐND thành phố Hà Nội được quyết định: Sử dụng ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước), cho phép các quận sử dụng ngân sách của cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới.

Đối với việc hỗ trợ địa phương bạn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, trong những năm qua, ngoài việc hỗ trợ một số địa phương để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển kinh tế - xã hội theo các chương trình hợp tác, Thành phố Hà Nội còn thực hiện các chương trình hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau với các tỉnh, thành phố, địa phương nước ngoài (đặc biệt là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia), qua đó, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai bên và thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo chỉ đạo của Trung ương. Việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố, địa phương nước ngoài được căn cứ vào đặc thù lịch sử, ý nghĩa chính trị và các nội dung các biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết giữa Trung ương, thành phố Hà Nội và các địa phương. Do vậy, đề nghị sửa lại nội dung này như sau: "HĐND thành phố Hà Nội quy định nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương (ngân sách cấp Thành phố và ngân sách cấp huyện) về hỗ trợ các địa phương khác (trong nước và nước ngoài) để phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, an sinh xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình y tế, giáo dục và các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. HĐND các cấp quyết định việc sử dụng ngân sách cấp mình để thực hiện hỗ trợ các địa phương khác theo quy định".

Thứ hai, về sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng cơ sở; vật chất hiện có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công: Theo dự thảo Nghị quyết quy định HĐND thành phố Hà Nội được quyết định: “Sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu: Phòng cháy, chữa cháy, thu gom xử lý rác; cấp nước, thoát nước, điện, các phương tiện, thiết bị, nhà vệ sinh, tường rào,... trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, đơn vị thuộc tổ chức chính trị-xã hội do Thành phố quản lý theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; đối với đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án (hoặc quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật kèm theo báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công trình chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật trước khi phân bổ dự toán), phải thực hiện đấu thầu, quản lý như dự án đầu tư công”.

Tuy nhiên, các hạng mục công trình xây dựng mới trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đều có quy mô nhỏ, tính chất đơn giản, thực hiện trong thời gian rất ngắn. Nếu sử dụng nguồn vốn đầu tư công sẽ không đảm bảo tính kịp thời. Bên cạnh đó, các hạng mục công trình xây dựng mới là một bộ phận không tách rời của dự án cải tạo, sửa chữa và sẽ được lập, phê duyệt dự án cải tạo, sửa chữa theo quy định tại Thông tư số 92/2017/TT-BTC, ngày 18/9/2017, của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất; việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn. Do đó, việc quy định "đối với đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án (hoặc quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật kèm theo báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công trình chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật trước khi phân bổ dự toán), phải thực hiện đấu thầu, quản lý như dự án đầu tư công" là không cần thiết và không khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Vì vậy, để đảm bảo kịp thời cơ sở vật chất làm việc cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của Thành phố, đề nghị sửa lại nội dung này như sau: Sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phụ trợ trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công do Thành phố quản lý theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Đối với đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư được sử dụng nguồn thu phí, phần được để lại cho đơn vị sự nghiệp công để đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị theo quy định của pháp luật”.


Huy Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t