Thực hiện đồng bộ Chiến lược phát triển du lịch của Thủ đô (16:45 26/08/2017)


HNP - Trong những năm qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách chủ yếu của khu vực phía bắc; là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Châu Á. Hoạt động du lịch Thủ đô đã góp phần tôn vinh, phát huy truyền thống văn hiến - anh hùng, Thành phố vì hòa bình, quảng bá hình ảnh, những thành tựu của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới, nâng cao vị thế, uy tín Thủ đô đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội; gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 12/2012/NQ-HĐND Thành phố Hà Nội về quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cho thấy, du lịch Hà Nội đang phát triển theo đúng định hướng, bảo đảm bền vững, có hiệu quả, phù hợp và đóng góp mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam.

Du lịch Hà Nội đang phát triển theo đúng định hướng, bền vững, hài hòa, hiệu quả cao; thị trường du lịch được mở rộng, lượng khách không ngừng tăng và sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hoá trên cơ sở phát triển thế mạnh tiềm năng tài nguyên du lịch đem lại mức tăng trưởng ổn định về tổng thu từ du lịch. Hệ thống cơ chế chính sách phát triển du lịch được hoàn chỉnh đồng bộ. Thủ tục hành chính được cải tiến, tạo thuận lợi cho khách du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch.

Trong thời gian ngắn, Thành phố đã có thêm nhiều điểm đến mới, có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù và không ngừng tạo ra các sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững. Hà Nội tiếp tục được nhiều tổ chức có uy tín về hoạt động du lịch đánh giá tốt trong thời gian qua về giá trị điểm đến nổi trội so với các địa phương khác trong nước cũng như các thành phố trong khu vực và trên thế giới. Đã tạo lập sự liên kết liên ngành, liên vùng xây dựng tour du lịch nội vùng, nội địa, quốc tế, cụ thể về sản phẩm, dịch vụ gắn với từng thị trường khách du lịch, phối hợp trong quản lý phát triển, kinh doanh du lịch đã được quan tâm thực hiện, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy thế mạnh ở từng địa phương và trong toàn vùng, bảo đảm du lịch phát triển tương xứng với vị thế là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng.

Du lịch đã tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội của đô thị phát triển như văn hoá, thương mại, giao thông, công nghiệp, thủ công nghiệp,... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển làng nghề. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của Thủ đô, góp phần nâng cao vị thế của Hà Nội trong khu vực và quốc tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,00 triệu lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khách du lịch quốc tế đên Hà Nội ước đạt 2,44 triệu lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước (khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 1,74 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ); khách du lịch nội địa ước đạt 9,56 triệu lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định, 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 35.862 tỷ đông, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Thành phố cũng thẳng thắn nhận định rằng, mức phát triển của du lịch Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh; hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp. Lượng khách hàng năm tăng khá, tổng thu từ du lịch mặc dù có tăng trưởng song thị phần so với toàn quốc chưa cao, cụ thể năm 2016 chiếm 15% thị phần trong tổng thu từ khách du lịch của toàn quốc.

Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch không cân đối, chủ yếu tập trung ở dịch vụ lưu trú cho thấy Hà Nội còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc có sức cạnh tranh và hấp dẫn cao, thiếu những khu du lịch, điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế, thiếu những loại hình hoạt động du lịch mới phát triển theo chuỗi sự kiện đồng bộ, thiếu các dịch vụ hỗ trợ du lịch để thu hút khách kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi của khách du lịch.

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch cũng chưa đồng bộ, thiếu về số lượng, chất lượng chưa đều; đặc biệt rất thiếu các cơ sở lưu trú có chất lượng cao (hạng 4-5 sao) chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của khách du lịch, dẫn đến tình trạng cung thấp hơn cầu ở thời kỳ cao điểm mùa du lịch và giảm sức cạnh tranh đối với du lịch Hà Nội. Sự suy giảm trong thu hút đầu tư du lịch ở giai đoạn kinh tế chưa thực sự phục hồi sau khủng hoảng là khó khăn không nhỏ đối với những điểm đến. Từ năm 2011 - 2016, Hà Nội có thêm 5 khách sạn 4 - 5 sao. Với số lượng phòng lưu trú hiện nay, với mức tăng trưởng du lịch đạt hơn 10%, Hà Nội đã gặp tình trạng thiếu phòng cao cấp vào những dịp cao điểm du lịch. Quy mô các doanh nghiệp du lịch đa số còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế. Chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến và công tác hướng dẫn du lịch tại điểm còn hạn chế…

Để khắc phục ngay những tồn tại hạn chế, Thành phố tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, thực hiện các nội dung Chiến lược, Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam và của Thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp của Kế hoạch số 207/KH-UBND của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU cảu Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch thủ đô Hà Nội giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo; rà soát bổ sung các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước. Tập trung xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện. Tăng cường thực hiện công tác đối ngoại, phát triển hợp tác quốc tế, giao lưu nhân dân, giao lưu hữu nghị quốc tế gắn kết hiệu quả với hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Thu hút mạnh mẽ đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch…


Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t