Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội 2017 (20:48 28/12/2016)


HNP - Trong 2 ngày 28 và 29/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành của Trung ương.

Toàn cảnh hội nghị


Tại điểm cầu Hà Nội, tham dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ, lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.

Tăng trưởng GRDP cả nước đạt 6,21%
 
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Dương Chí Dũng trình bày, năm 2016, tăng trưởng GDP đạt 6,21% - cao hơn nhiều so với tăng trưởng bình quân của các nước trong khu vực; nông lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 1,36%; công nghiệp, xây dựng tăng 7,5%; dịch vụ tăng 6,98%; lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế; thị trường tiền tệ, chứng khoán diễn biến tích cực, thanh khoản hệ thống được đảm bảo, có dư thừa; tỷ giá được điều hành linh hoạt, cung cầu ngoại tệ thuận lợi; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay; thu ngân sách địa phương đạt khá; cả nước có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập mới; hàng trăm nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại; cổ phần hóa 52 doanh nghiệp nhà nước; thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thu về ngân sách nhà nước trên 7.000 tỷ đồng;... 
 
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Dương Chí Dũng, năm 2016, dù còn những yếu kém, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta đã vượt qua được những khó khăn, thách thức, tiếp tục đà phát triển. Niềm tin thị trường tăng lên, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, công tác xây dựng thể chế được quan tâm; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... đây là những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong năm 2017.
 
10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong năm 2017
 
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Dự thảo nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng gắn với 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và DN.
 
Ba chỉ tiêu quan trọng nhất được Phó Thủ tướng nêu rõ là GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương. Trong đó, 10 nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra trong năm 2017 của Chính phủ, đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Điều hành chính sách chủ động linh hoạt, tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; Đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ; Tái cơ cấu kinh tế, gắn với tăng trưởng; Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế; Đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, tăng cường bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Chủ động triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường; Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh quốc phòng thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. 
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng cho biết, khâu yếu nhất của chúng ta là tổ chức thực hiện, vì vậy lần này Nghị quyết giao rất kỹ. Trong tháng 1/2017, các bộ ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động, có đơn vị, cơ quan chủ trì cụ thể. Thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch đã đề ra, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp trên để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
 
Hội nghị cũng đã được nghe Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trình bày dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Dương Chí Dũng trình bày báo cáo về triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành, cơ quan, địa phương, kết quả kiểm tra của Tổ công tác; Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
 
Hà Nội thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ
 
Trong phần thảo luận, đại diện cho TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với nội dung nêu trong các báo cáo của Chính phủ, đồng thời trình bày một số kết quả KT-XH của Thủ đô đã đạt được trong năm 2016. Cụ thể, TP đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 01 của Chính phủ và đạt kết quả tích cực. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh, các cân đối lớn được đảm bảo; tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,2%, tổng thu NSNN trên địa bàn dự kiến đạt 173,84 nghìn tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước tăng 3,01%-3,07%...
 
Bên cạnh đó, TP đã thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các Nghị quyết số 19, 35 của Chính phủ. Đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển DN trong đó nổi bật là: Tổ chức thành công một số hội nghị như “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Hội nghị gặp mặt đối thoại DN…; Xây dựng Đề án hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kết quả thu hút vốn đầu tư xã hội có sự đột phá, cao nhất từ trước đến nay với số vốn đăng ký ngoài ngân sách tính đến 25/12 đạt 432,286 nghìn tỷ đồng; số DN đăng ký thành lập mới cao nhất từ trước tới nay, tính đến 25/12 đạt 22.365 DN (tăng 19%) với số vốn đăng ký là 226 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn TP lên 207.679 DN.
 
TP cũng đã chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống cho nhân dân; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. Ngành du lịch được quan tâm thúc đẩy phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khách du lịch đến Hà Nội đạt trên 12 triệu lượt (tăng 7,5%), trong đó khách quốc tế là 2,8 triệu (tăng 20%). TP có thêm 56 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 2,5 lần so với chỉ tiêu. Đã huy động gần 104,42 tỷ đồng cho Quỹ người có công; quyết liệt tổ chức triển khai xây mới và cải tạo 7.298 căn nhà cho người có công; huy động trên 15,1 tỷ đồng cho Quỹ vì người nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2% theo chuẩn đa chiều….
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
 
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC, VC, thành phố đã hoàn thành sắp xếp 22 Sở và tương đương, sau sắp xếp giảm từ 204 phòng xuống còn 158 phòng, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó phòng. Đơn vị sự nghiệp thuộc Sở giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị, giảm 30,2%; sắp xếp 70 Ban QLDA thành 08 Ban QLDA theo lĩnh vực thuộc TP, 03 Ban QLDA đặc thù và 30 Ban QLDA khu vực thuộc quận, huyện, thị xã… TP cũng đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp, liên thông thủ tục hành chính 584 xã, phường, thị trấn và 132 dịch vụ công trực tuyến cấp sở, huyện, xã; tuyển sinh trực tuyến tại các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng trong 2 ngày, với tỷ lệ đến nay đạt trên 54%...
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, phát huy những kết quả đạt được, năm 2017, TP sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng trưởng từ 8,5-9%. Chú trọng phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2016 là 0,6%. Tăng cường quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn; quản lý tài nguyên và cải thiện chất lượng môi trường. Thực hiện hiệu quả “Năm kỷ cương hành chính 2017” với tinh thần kỷ cương, trách nhiệm. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ củng cố quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại góp phần cùng cả nước chủ động hội nhập kinh tế quốc tế… Trước mắt, Hà Nội sẽ tập trung chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán sắp tới, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
 
Sau phần phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Hà Nội cần có giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc giao thông. Theo Thủ tướng Chính phủ, một trong những nguyên nhân ùn tắc là do TP cấp phép xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong nội đô. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu TP Hà Nội cần tập trung công tác phòng chống cháy nổ; cải cách hành chính...

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t