Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2016 (14:37 26/12/2016)


HNP - Sáng 26/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu dự hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị


Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp & PTNT năm 2016, toàn ngành đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu, thời tiết phức tạp, băng giá, rét hại, mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng; sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Sáu tháng đầu năm, toàn ngành tăng trưởng âm 0,18%. Tuy nhiên, đến tháng 9, toàn ngành đã tăng trưởng dương trở lại 0,5% và dự kiến cả năm tăng trưởng đạt 1,2%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so năm 2015, trong đó có nhiều mặt hàng tăng trưởng khá, như xuất khẩu rau quả dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua lúa gạo.... 
 
Năm 2016, sản xuất chăn nuôi khá thuận lợi do dịch bệnh được khống chế tốt, tình trạng sử dụng chất cấm và buôn lậu qua biên giới được quản lý chặt, xử lý nghiêm đã lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng nên sản xuất tăng, tiêu thụ sản phẩm tốt với giá có lợi cho người sản xuất; đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao nên năng suất và hiệu quả tăng cao (nhất là trong chăn nuôi lợn, gà và bò sữa).  
 
Hết năm 2016, tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất có mức gia tăng 1 - 2% so với năm 2015. Cụ thể: tỷ lệ cơ giới hóa bình quân khâu làm đất cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu,...) ước đạt 91% (tăng 1% so với năm 2015); khâu gieo, trồng đạt 40% (tăng 3%), khâu thu hoạch lúa đạt 50% (tăng 6%) và sấy lúa tại vùng ĐBSCL là 55% (tăng 5%). Về công tác vệ sinh ATTP, năm 2016, đã có những chuyển biến hết sức tích cực, với việc hình thành được trên 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, có xác nhận trên cả nước. 
 
Nhờ có những giải pháp chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong khôi phục hậu quả thiên tai, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh những mặt hàng có lợi thế thị trường, cạnh tranh  như rau quả, tôm, chăn nuôi... nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có sự gia tăng mạnh, cả năm ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2016, đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong xuất khẩu rau quả. Lần đầu tiên “vượt qua mặt hàng gạo“, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015.
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: trong năm qua, giá trị gia tăng của thành phố là 2,21%. Sản xuất 1 triệu tấn lương thực, 1,81 triệu con lợn, 39.000 tấn sữa bò, 110.000 tấn thủy sản… Thành phố sản xuất và hình thành nhiều chuỗi nông sản sạch khép kín. Về xây dựng nông thôn mới đã có 221/386 xã, 2 huyện hoàn thành NTM, đạt 53%. Thành phố đã áp dụng công nghệ cao, nhiều diện tích cho giá trị sản xuất 1,5-1,8 tỷ/ha. 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị

Trong thời gian qua, thành phố cũng tập trung phát triển một số cây, con với quy mô lớn hướng tới thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề ATTP, các các cấp ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp hiệu quả đảm bảo ATTP. Đặc biệt, vừa qua, thành phố đã đầu tư các xe kiểm nghiệm ATTP, kiểm tra thường xuyên các điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm để có những đánh giá chính xác đồng thời tăng cường công tác quản lý về vấn đề này.
 
Nhân dịp này, thành phố kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT nghiên cứu sửa đổi Luật Đê điều để có nhiều điều khoản phù hợp với tình hình thực tiễn, bên cạnh đó Chính phủ cần có chính sách về tích tụ ruộng đất, phù hợp với Luật Đất đai để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao từ đó phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tránh kìm hãm sự phát triển.
 
Thành phố cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu sớm ban hành các quy định về quản lý, kiểm soát ATTP rau, thịt về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có chế tài mạnh về xử lý các vi phạm về lĩnh vực này. Phó Chủ tịch thành phố cũng kiến nghị Trung ương quan tâm đến công tác đầu tư hoàn thiện hệ thống đê kè, trạm bơm sông Hồng, sông Đà, sông Đuống nạo vét sông Đáy, hệ thống tưới từ sông Hồng qua sông Tích sang sông Đáy để đảm bảo an toàn về phòng chống lụt bão, cải thiện ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, Trung ương cũng cần quan tâm phát triển nông nghiệp ở khu vực vùng vãi sông Hồng; Bộ Khoa học & Công nghệ ưu tiên phát triển thành phố ứng dụng công nghệ cao, xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố.
 
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp chủ lực cho đời sống người dân. Đặc biệt, nông nghiệp đã mang về kim ngạch 32,1 tỷ USD cho đất nước, trong đó, có 10 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề. Một là hạn điền đang kìm hãm phát triển sản xuất; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn hạn chế; tình trạng ATTP còn nhiều bất cập; vật tư đầu vào cho ngành nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… đôi lúc chưa được quản lý tốt…
 
Riêng đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng cho biết Chính phủ rất ủng hộ và chỉ đạo các địa phương, bộ ngành tạo mọi điều kiện để phát triển. Không được để tư tưởng bao cấp làm kìm hãm sự phát triển của thị trường. Trước mắt, cần khắc phục sớm những thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung hiện nay, đó là tổ chức một vụ Đông Xuân đặc biệt, đồng thời, lo Tết cho dân vùng thiên tai, tuyệt đối không để bà con bị đứt bữa.
 
Về các giải pháp cụ thể cho ngành nông nghiệp trong năm 2017 và giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ lưu ý một số vấn đề chính. Trước tiên, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển theo chiều sâu chứ không chạy theo số lượng. Cần thành lập đội ngũ đặc nhiệm đặc biệt để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, vừa phải nghiên cứu xu hướng phát triển của thời đại. Cần tiếp tục tổ chức các hình thức tổ chức sản xuất đặc biệt, trong đó, có các HTX nông nghiệp và gắn với nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh. Tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, ưu tiên những sản phẩm là lợi thế của địa phương, đặc sản của vùng, miền. Chú trọng đầu tư hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hoàn thiện cơ chế chính sách về vấn đề đất đai, sử dụng đất lúa…

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t