Nông dân Gia Lâm chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết Mậu Tuất 2018 (15:02 05/01/2018)


HNP - Còn hơn 1 tháng nữa mới đến tết Mậu Tuất, song tại thời điểm này, tại 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm, các nông hộ đã tất bật lo chuẩn bị các nguồn hàng nông sản thực phẩm an toàn để phục vụ người tiêu dùng.

Chăm sóc hoa ly chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán


Những ngày này, các nông hộ trồng hoa trên địa bàn huyện Gia Lâm đang tất bật chuẩn bị cho một mùa hoa lớn trong năm. Ngoài việc tỉ mỉ chăm sóc, tưới cây, vặt lá và tạo dáng chờ ngày ra hoa. Nhiều hộ còn nhập thêm những giống hoa mới để phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất 2018 sắp tới.

Ngoài diện tích trên 2ha hoa ly sẽ đơm hoa đúng vào dịp tết, diện tích trồng hoa cúc, hoa dơn và các loài hoa vừa có sắc vừa có hương thơm khác trên địa bàn huyện cũng tăng hơn các năm trước. Tuy thời tiết năm nay khắc nghiệt, mưa kéo dài rồi lại rét đậm, rét hại người trồng hoa gặp khó khăn nhiều trong chăm sóc, song với sự tự tin và tận tâm với nghề, các hộ trồng hoa đã không quản vất vả ngày đêm gửi gắm cả tình yêu và niềm đam mê vào những luống hoa những mong có sản phẩm đẹp nhất được người tiêu dùng đặt tại những nơi trang trọng nhất trong dịp tết đến Xuân sang.
 
Từ nếp nghĩ mới, cách làm mới của các nông hộ, tại thời điểm này, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã quy vùng trồng cây ăn quả và cây cảnh với tổng diện tích gần 1.400 ha, tăng gần 270 ha so với năm 2016. Trong đó, đa phần diện tích được trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, bưởi Hùng, cam đường Canh, cam Vinh, quất cảnh,… Nếu những năm trước đây, cam đường Canh, rồi bưởi Diễn được cắt bán quả thì hai năm trở lại đây các nhà vườn đã cải tiến quy trình chăm bón để đưa cây bưởi và cam lên chậu cảnh để bán vào dịp tết vừa tăng thu nhập, vừa góp thêm thú vui tết tao nhã cho người dân kẻ chợ và khắp các vùng quê.

Những mô hình trồng rau an toàn trên địa bàn huyện

Cùng với phát triển vùng cây ăn quả, mô hình chuyên canh rau với tổng diện tích 2.213ha, trong đó có 1.347ha sản xuất rau an toàn, với 2 vùng rau trọng điểm là Văn Đức và Đặng Xá hiện đang được UBND huyện hỗ trợ xây dựng các mô hình nhóm quản lý sản xuất PiGiS cũng cho giá trị thu nhập đạt trên 350 triệu đồng/năm. Để có sản phẩm cung cấp cho các siêu thị và các chợ đầu mối và người tiêu dùng trong dịp tết, những ngày này, bà con đang hối hả chăm bón các loại rau dài ngày, đồng thời, gieo bổ sung các giống rau ngắn ngày. Điều được các nông hộ quan tâm là tuyên tuyền, vận động nhau thực hiện nghiêm túc quy trình thâm canh an toàn để có sản phẩm đảm bảo vệ sinh thực phẩm góp phần để nhà nhà có những bữa ăn đoàn viên, ấm cúng và tuyệt đối an toàn.

Ngoài việc sẽ cung cấp cho thị trường các nguồn hàng nông sản chủ lực, các sản phẩm thịt, cá tươi sống và qua chế biến cũng sẽ là các sản phẩm thế mạnh của Gia Lâm hiện nay cũng như vào dịp tết nguyên đán Mậu Tuất tới. Hiện, trên địa bàn huyện đang nuôi gần 150 ngàn con lợn, bò thịt và hàng trăm nghìn con gia cầm. Trong đó có hàng chục trang trại chăn nuôi và các lò giết mổ quy mô vừa và lớn hiện đã dự kiến số lượng thịt tươi sống sẽ đưa ra thị trường ước khoảng từ 5 đến 20 tấn/trang trại và mỗi ngày từ 1 đến 2 tấn giò các loại được sản xuất trên dây chuyền khép kín đảm bảo tuyệt đối an toàn về an toàn thực phẩm.

Tuy là huyện ngoại thành trên đà đô thị hóa nhanh song sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm những năm gần đây nhờ được đầu tư đúng hướng nên đang có bước chuyển dịch tích cực với nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp an toàn bền vững đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm an toàn, nhất là vào dịp đón tết Mậu Tuất năm nay, vừa góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế hàng năm của huyện.


Trang Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t