Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Tổng Công ty vận tải Hà Nội (07:33 26/03/2022)


HNP - Chiều 25/3, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giai đoạn 2016-2021, của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, tại Tổng Công ty vận tải Hà Nội. Tham dự Đoàn giám sát có các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và một số sở, ban, ngành của thành phố.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi làm việc


Báo cáo với Đoàn giám sát, Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam cho biết, với vai trò đơn vị chủ lực của TP Hà Nội trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, dịch vụ bến bãi và điểm đỗ xe công cộng của Thủ đô, hiện, Tổng Công ty có gần 1 vạn CBCNV, cơ cấu tổ chức gồm 15 đơn vị phụ thuộc Công ty mẹ, 5 công ty con và 4 công ty liên doanh liên kết. 
 
Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020, Tổng Công ty đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các chủ trương, quy định, kế hoạch của các cấp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xác định là nhiệm vụ thường xuyên, sống còn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 vừa qua và các năm tiếp theo. Toàn Công ty mẹ và các công ty con luôn tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật về tài chính DN, quản lý đầu tư, đấu thầu, khai thác sử dụng hiệu quả các cơ sở đất đai trong hoạt động SXKD của DN; xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là giải pháp thường xuyên, lâu dài để tiết giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả SXKD.
 
Đại biểu Trương Xuân Cừ phát biểu tại buổi giám sát
 
Theo đó, giai đoạn 2016-2019, Tổng Công ty hoạt động ổn định, doanh thu trung bình đạt hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận bình quân đạt trên 49 tỷ đồng mỗi năm, tổng nộp ngân sách nhà nước trong 4 năm là trên 900 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty đều bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, vận tải du lịch và bến bãi, nên doanh thu năm 2020 đạt 2.287 tỷ đồng, doanh thu năm 2021 đạt 2.125 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 70 tỷ đồng. 
 
Đặc biệt, giai đoạn 2020 - 2021, tại nhiều thời điểm dịch bệnh căng thẳng, xe buýt phải ngừng hoạt động kéo dài, doanh thu bán vé xe buýt không thể đạt so với doanh thu kế hoạch tại hồ sơ mời thầu, trong khi Tổng Công ty vẫn phát sinh, hạch toán đầy đủ các khoản chi phí cố định như khấu hao, lãi vay, đất đai, bảo vệ an ninh, an toàn, bảo quản tài sản, phương tiện, ứng trực triển khai các nhiệm vụ được giao, phát sinh thêm chi phí tăng cường phòng chống dịch bệnh...
 
Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu tại buổi giám sát
 
Mặc dù vậy, Tổng Công ty đã triển khai quyết liệt, linh hoạt các giải pháp điều hành, tiết kiệm, tiết giảm chi phí, đổi mới tái cơ cấu, tăng cường quản trị, nhờ vậy, đã hoàn thành được mục tiêu bảo toàn vốn theo kế hoạch được thành phố giao. Hàng năm, Tổng Công ty triển khai công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu tiết kiệm được tính toán, giảm trừ khi xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch. Đối với lĩnh vực vận tải hành công cộng bằng xe buýt, Tổng Công ty đã phát huy hiệu quả vai trò chủ lực trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt, xóa hoàn toàn vùng “trắng” xe buýt trợ giá tại các huyện ngoại thành của thành phố và kiến tạo nhiều đổi mới bước ngoặt cho xe buýt Thủ đô theo hướng văn minh và hiện đại.
 
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai chia sẻ những khó khăn của Tổng Công ty trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình thời gian qua. Qua nghiên cứu báo cáo và ý kiến trao đổi của các thành viên trong đoàn, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận, Tổng Công ty đã luôn coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. 
 
Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận buổi giám sát
 
Tuy nhiên, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, mặc dù Tổng Công ty quyết tâm rất cao với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng chưa có sự định lượng cụ thể, chỉ tiêu rõ ràng về tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh. Do đó, trong thời gian tới, Tổng Công ty cần sớm thống kê, định lượng, xây dựng được bộ công cụ làm căn cứ đánh giá việc tiết kiệm, chống lãng phí, từ đó, mới rõ được tiết kiệm bao nhiêu, chống lãng phí ở những khâu nào? Đánh giá rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế để đưa ra những giải pháp khắc phục, góp phần hiệu quả vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty; đồng thời, kết hợp với tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động để thực hiện tốt công tác này.
 
Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai cũng đề nghị Tổng Công ty Vận tải Hà Nội khẩn trương ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2022; xây dựng bộ công cụ đánh giá các tiêu chí cụ thể để làm tiêu chí đánh giá đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, gắn với chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.
 
Liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đề nghị các sở, ngành liên quan như Sở Tài chính tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với các đơn vị, gắn với đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả giai đoạn và năm 2022.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t