Gỡ nút thắt về phát triển nhà ở cho công nhân (21:01 27/04/2023)


HNP - Chiều 27/4, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức chương trình Tọa đàm chuyên đề số 1 năm 2023 với chủ đề “Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân”.   

Các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi tại chương trình Toạ đàm


Tham dự Toạ đàm về phía Ban Tổ chức có ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức; bà Hoàng Phương Thảo, Giám đốc Điều hành Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Thành viên Ban tổ chức và ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị, Thành viên Ban tổ chức.
 
Các chuyên gia, nhà quản lý tham dự Toạ đàm có ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội.
 
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết, nhà ở xã hội là một chương trình an sinh xã hội lớn của nhà nước nhằm hỗ trợ cho người dân có cơ hội được có nhà ở an toàn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, người - dân thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai.
 
Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phát biểu khai mạc Toạ đàm
 
Vấn đề nhà ở xã hội trở nên nóng hơn trong những năm gần đây khi tốc độ đô thị hóa ở các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày càng nhanh. Trong khi mục tiêu về quỹ đất cho nhà ở xã hội và số lượng căn hộ nhà ở xã hội được xây dựng đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động. 
 
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng đang thu thập ý kiến của người dân, cơ quan, các bộ, ngành trong cả nước (hạn đóng góp ý kiến: 27/4/2023), kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua còn thiếu rất nhiều, cả nước mới quy hoạch, bố trí được 36,34% diện tích đất so với nhu cầu đến năm 2020.
 
Với mong muốn góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở Việt Nam, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp cùng AAV và AFV tổ chức chương trình Tọa đàm chuyên đề số 1 năm 2023 với chủ đề “Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân”. Cuộc Tọa đàm nằm trong khuôn khổ các hoạt động của chương trình "Những cống hiến thầm lặng mùa 3 năm 2023”, ông Tạ Việt Anh nhấn mạnh.
 
Tại chương trình, các chuyên gia, nhà quản lý cùng các đại biểu tham dự đã có những trao đổi, thảo luận xoay quanh 03 nhóm vấn đề: Nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động; Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân - nhu cầu cấp bách; Cải thiện chỗ ở cho người lao động.
 
Theo các chuyên gia nhìn nhận, hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 30/11/2011.
 
Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia, nhà quản lý tham dự Toạ đàm
 
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay việc xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang gặp những vướng mắc và trở ngại, đặc biệt về cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; ngân sách nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn vay ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; lãi suất vay xây nhà ở xã hội còn cao; tiếp cận quỹ đất khó; các chính sách đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, chưa sát thực tế nên không khuyến khích được chủ đầu tư… Trong khi đó, nhiều địa phương, nhất là người đứng đầu chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp…
 
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên cũng như để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động, trong thời gian tới, các chuyên gia, nhà quản lý tham dự Toạ đàm đều cho rằng, chính quyền các tỉnh, thành phố cần tập trung triển khai các chương trình phát triển nhà ở cho công nhân. Đồng thời, cần sớm tháo gỡ những khó khăn về chính sách, quỹ đất, nguồn vốn, huy động nhiều nguồn lực… để công nhân các khu công nghiệp được tiếp cận với loại hình nhà ở này, cải thiện điều kiện sống.
 
Tại Hà Nội, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, năm 2007, Thành phố bắt đầu thí điểm đầu tư xây dựng khu nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Đến nay, hệ thống hạ tầng khu nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã được xây dựng tương đối đồng bộ. Đây là dự án nhà ở tập trung dành cho công nhân đầu tiên của cả nước, được quy hoạch đồng bộ trên khu đất rộng 20ha, gồm 24 tòa nhà 5 tầng, 4 tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 11.500 chỗ ở, cùng các thiết chế như nhà trẻ, trường học, y tế, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, dịch vụ...
 
Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội cho biết thêm, mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung; tiếp tục rà soát các quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đa dạng hóa các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội; ưu tiên phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người lao động và các thiết chế khác trong khu công nghiệp...

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t