Giám sát sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp: Bảo vệ quyền, lợi ích hội viên nông dân (20:15 15/12/2020)


HNP - Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch liên tịch số 71-KHLT/HND-MTTQ-SNN&PTNT-SCT giữa Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội về giám sát việc thực hiện pháp luật sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thu được những kết quả khả quan. Thông qua giám sát liên ngành, không những phát hiện vi phạm để chấn chỉnh kịp thời, hoạt động này còn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân.

Đấu tranh, ngăn chặn vi phạm
 
Tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, nhất là giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục lưu hành trên thị trường có xu hướng gia tăng, rất đáng báo động. Hậu quả là ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng, chất lượng nông phẩm, sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường. Đáng ngại, tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến, mặc dù các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã siết chặt công tác quản lý. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, vật tư nông nghiệp bao gồm giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học..., đây là các yếu tố đầu vào có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu để bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, cũng chính vì đầu vào phong phú và nhu cầu lớn như vậy nên lâu nay việc quản lý chặt chẽ là rất khó khăn.
 
Trước thực trạng trên, Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã ký kết kế hoạch liên tịch. Đây là mô hình phối hợp giữa các cơ quan, sở, ngành nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể quần chúng, lực lượng xã hội trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp. 
 
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Hải, sau 5 năm tổ chức thực hiện, đến nay, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức được 84 cuộc giám sát tại cơ sở. Có 17/18 huyện, thị xã đã tổ chức ký kết giữa Hội Nông dân với Mặt trận Tổ quốc, Phòng Kinh tế, Đội Quản lý thị trường huyện, thị xã và tổ chức liên ngành về quản lý pháp luật trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, từ năm 2015 đến tháng 7/2020, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tổ chức 10 cuộc giám sát, trong đó có 1 cuộc cùng với Trung ương Hội Nông dân giám sát thí điểm trên địa bàn huyện Thanh Trì, 9 cuộc phối hợp giám sát liên ngành giữa Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội tại các huyện: Đông Anh, Hoài Đức, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Quốc Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì và Gia Lâm.  
 
Ông Tạ Văn Tường cho biết, theo kết quả giám sát của các cơ quan, sở, ngành thành phố, nhìn chung công tác quản lý, hướng dẫn thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp đã được thực hiện theo đúng quy định về phân cấp quản lý, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các hộ sản xuất, kinh doanh và người sử dụng vật tư nông nghiệp; công tác chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện chức năng quản lý về vật tư nông nghiệp được quan tâm; thực hiện khá tốt công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đối với các đơn vị ngành dọc và các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố…
 
Phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị
 
Thông qua giám sát, các cơ quan, sở, ngành thành phố cũng đã chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế. Đó là, công tác thanh tra, kiểm tra ở một số nơi còn chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, không xử lý trường hợp vi phạm mà mới dừng ở việc nhắc nhở. Công tác vệ sinh môi trường đồng ruộng chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng vứt bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ra ruộng đồng. Việc thực hiện các quy định trong kinh doanh vật tư nông nghiệp của các hội kinh doanh còn hạn chế, chậm làm thủ tục cấp giấy phép kinh doanh và hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Đáng nói, có tới 24-45% cửa hàng chưa có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố vẫn còn một bộ phận cán bộ, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nhận thức chưa đầy đủ về mối nguy hại do thực phẩm không an toàn đem lại, chưa quan tâm, coi trọng vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…
 
Cũng thông qua giám sát liên ngành, cơ quan chức năng thành phố đã phát hiện một số vi phạm của các chủ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp như: Niêm yết giá chưa đầy đủ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, sắp xếp cửa hàng chưa ngăn nắp, có hóa đơn nhưng chỉ là hóa đơn thông thường; một số cửa hàng kinh doanh tự phát, một số cơ sở kinh doanh chưa đủ giấy tờ, điều kiện… Qua đó, liên ngành đã tuyên truyền, nhắc nhở các lỗi vi phạm, đôn đốc, hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp chưa có chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hoàn thiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong kinh doanh theo quy định, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ trong sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất điều chỉnh những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của Nhà nước.
 
Để mô hình phối hợp trên tiếp tục phát huy hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch trên đều cho rằng, cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá của các cấp ủy đảng. Việc triển khai phối hợp công tác không chỉ là hoạt động ký kết kế hoạch, chương trình giữa các cơ quan, ban, ngành, đơn vị. Điều quan trọng là phát huy tốt vai trò, hoạt động của tổ chức Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cấp cơ sở, thôn, xóm, tổ dân phố trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức để người nông dân, cộng đồng xã hội có điều kiện, đề cao trách nhiệm, tự giác giám sát, phát hiện, không sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, đồng thời, thông tin, báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t