7 huyện, thị xã có trên 80% số xã bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày (15:24 30/11/2019)


HNP - Ngày 29-11, Sở NN&PTNT Hà Nội có Báo cáo số 641/BC-SNN, về diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn thành phố (tính đến 17h, ngày 28-11-2019).

Theo đó, trong 4 ngày qua (từ 25 đến 28-11) bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh tại 27 hộ chăn nuôi thuộc 8 huyện, làm mắc bệnh và tiêu hủy 156 con lợn với trọng lượng 11.431kg. Từ thời điểm ổ bệnh dịch đầu tiên xuất hiện tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) ngày 24-2-2019 đến nay, thì tháng 5 và 6 là những tháng cao điểm phát sinh dịch bệnh (phát sinh 23.131 hộ, cơ sở có lợn mắc bệnh với số lợn tiêu hủy 409.345 con). Từ tháng 7 đến nay, bệnh dịch này đã giảm, phát sinh ở mức thấp và thấp nhất là tháng 10 vừa qua chỉ tiêu hủy 11.039 con lợn.

Lũy kế đến ngày 28-11, trên địa bàn thành phố bệnh DTLCP đã xảy ra tại 32.933 hộ chăn nuôi (chiếm 40,8% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 543.332 con (chiếm 29% tổng đàn) với trọng lượng 37.130 tấn...

Theo Sở NN&PTNT, hiện tại còn 137 xã (chiếm 31%) bệnh DTLCP chưa qua 30 ngày. Đã có 312 xã, phường (chiếm 69%) dịch bệnh đã qua 30 ngày. Có 6 quận dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát, sinh lợn mắc bệnh (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên). Tại 7 huyện, thị xã (Sơn Tây, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thanh Trì, Thường Tín, Gia Lâm) có trên 80% số xã dịch bệnh đã qua 30 ngày.

Tuy nhiên, theo dự báo, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao do: Giá lợn hiện đang cao (từ 65.000 đến 75.000 đồng/kg), trong khi đó giá hỗ trợ thấp nên có dấu hiệu người chăn nuôi chưa thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh. Mặt khác, việc vận chuyển lưu thông lợn đang rất lớn trong khi đó việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn (theo quy định không thực hiện việc kiểm dịch nội tỉnh). Đặc biệt, bệnh DTLCP hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường. Việc nhập đàn (do cung cầu và giá lợn cao) nhiều hộ chăn nuôi nhập đàn nhưng chưa thực hiện tốt việc khai báo với chính quyền địa phương. Số hố tiêu hủy lợn bệnh trên địa bàn lớn, song chưa thực hiện tốt việc quản lý xử lý sụt, lún làm ảnh hưởng đến môi trường. Đáng ngại, trên địa bàn thành phố còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý; vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng, sử dụng thức ăn dư thừa…

Khắc phục khó khăn nêu trên, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định. Tăng cường kiểm tra các cơ sở việc tái đàn đảm bảo đúng hướng dẫn của thành phố. Kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo nếu xảy ra dịch đề nghị chính quyền địa phương xử lý vi phạm hành chính và không hỗ trợ.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông và Tổ Kiểm dịch động vật liên ngành lưu động thành phố.  Kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố... Làm tốt công tác tuyên truyền để người dân phát triển chăn nuôi bò, gia cầm để bù đắp thiếu hụt thịt lợn trong thời gian tới. Đồng thời, áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để không để bệnh DTLCP xảy ra.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t