Chật vật vì thiếu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng (15:54 12/08/2019)


HNP - Giống cây trồng, vật nuôi đóng vai trò quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Hằng năm, nhu cầu về giống cây trồng, vật nuôi của thành phố khá lớn, nhưng các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố vẫn chưa đáp ứng đủ để phục vụ sản xuất của nông dân...

Chưa đáp ứng nhu cầu

Hà Nội có hơn 187.151ha đất nông nghiệp, trong đó, có 92.959ha trồng lúa, 17.776ha trồng cây ăn quả, 2.600ha trồng hoa, 33.537ha trồng rau, còn lại là các cây trồng khác như: Chè, đậu, ngô, khoai,... Trong những năm gần đây, thực hiện các chương trình, đề án của thành phố, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có bước phát triển khá toàn diện theo hướng đi lên. Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm an ninh lương thực, từng bước đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp ngày càng tiên tiến.

Đóng góp vào thành tựu chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô, không thể không nhắc tới công tác phát triển giống cây trồng, vật nuôi của thành phố. Thông qua chương trình, đề án, dự án của thành phố triển khai và sự năng động của doanh nghiệp, hợp tác xã đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được chọn tạo hoặc nhập nội; những giống có ưu thế đã được áp dụng trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh sản phẩm. Một lượng lớn giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống đầu dòng, giống bố mẹ hạt lai… sản xuất ra từ các dự án đã được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp nhận để nhân các cấp giống tiếp theo, cung cấp cho sản xuất đại trà. Các chương trình, dự án trồng trọt đã sản xuất hàng chục nghìn tấn hạt giống gốc, giống siêu nguyên chủng; hàng trăm triệu củ giống, hom giống đầu dòng… Đó là nguồn giống để các thành phần kinh tế nhân các cấp giống tiếp theo phục vụ sản xuất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hằng năm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã đã cung cấp số lượng lớn giống vật nuôi, thủy sản chất lượng cho nông dân trên địa bàn thành phố và các địa phương trên cả nước…

Song, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống của thành phố vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội thông tin, hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 110 cơ sở kinh doanh giống cây trồng, nhưng lượng giống sản xuất đạt quy chuẩn kỹ thuật mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu giống cây trồng của toàn thành phố. Cụ thể, giống lúa đáp ứng được 70%; cây ăn quả chỉ đáp ứng được từ 30 đến 40% cây giống (giống bưởi, cam Canh đáp ứng từ 30 đến 35%; giống chuối là 40%).

Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn thành phố Hà Nội tuy có nhiều nhưng đa số không đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất giống tự phát không theo quy chuẩn. Chẳng hạn, cây ăn quả, như: Bưởi, cam, nhãn chủ yếu tự ý làm không có vườn cây đầu dòng, cây sạch bệnh, do vậy, các giống cây ăn quả không bảo đảm về năng suất, chất lượng. Các giống hoa, như: Hồng, cúc, đồng tiền, đào... là tự sản xuất trong nước, còn lại các giống hoa giá trị kinh tế cao như hoa lan, lily... vẫn chủ yếu là nhập khẩu nên không chủ động được giống sản xuất. Nguyên nhân của những hạn chế này là do, hệ thống sản xuất giống cây trồng, vật nuôi hiện nay trên địa bàn thành phố chưa đủ sức sản xuất giống đáp ứng nhu cầu thực tiễn đòi hỏi...

Cần tạo sự đột phá

Trong sản xuất nông nghiệp, giống là một trong những yếu tố hàng đầu góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Theo bà Hoàng Thị Hòa, yếu tố về giống ảnh hưởng từ 25% đến 30% năng suất cây trồng. Để phát triển sản xuất nông nghiệp có năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đòi hỏi phải có các cơ sở sản xuất giống tốt, sản xuất các giống cây trồng có phẩm cấp cao, bền vững…

So với cả nước, thành phố Hà Nội là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực tế, thời gian qua, trên địa bàn thành phố, một số trang trại, hộ gia đình đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế vượt trội. Song, việc đầu tư cho sản xuất giống, nhất là giống cây trồng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ kỹ thuật cao, sản xuất có nhiều rủi ro, vì vậy, trên địa bàn thành phố chưa có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất giống cây trồng công nghệ cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đáp ứng nhu cầu của nông dân, ngoài việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống những cây trồng, vật nuôi, thì thành phố cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và cung ứng giống cây trồng công nghệ cao nhằm cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn theo quy định. Từ đó, làm cơ sở cung cấp cho vùng sản xuất hàng hóa nông sản của thành phố, nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất, tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao, sạch bệnh, an toàn, từng bước đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng Thủ đô. Đây không chỉ là nhu cầu cấp bách, mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sản theo hướng đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội vừa đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự án xây dựng mở rộng Trạm khảo nghiệm, thực nghiệm sản xuất giống cây trồng ứng dụng công nghệ cao ở xã Hòa Bình (huyện Thường Tín). Dự án này được triển khai đầu tư được ví như “quả đấm thép” trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.

Hằng năm, ngành Nông nghiệp Hà Nội cung ứng ra thị trường khoảng 1,3 triệu cây giống ăn quả, 60.000 cây giống hoa nuôi cấy mô, 50 tấn khoai tây giống, 100.000 cây giống hoa cúc, hoa hồng và 100.000 cây giống cà chua, rau các loại...; Bên cạnh đó, lựa chọn từ 2 đến 3 giống cây trồng chất lượng cao đưa vào cơ cấu giống của thành phố; duy trì, bảo tồn từ 8 đến 10 giống cây ăn quả đặc sản trên địa bàn thành phố...


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t