Hà Nội: Có 354 xã đạt tiêu chí số 7 trong xây dựng nông thôn mới (12:16 08/08/2019)


HNP - Sở Công Thương Hà Nội vừa rà soát kết quả thực hiện tiêu chí số 7 (Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, trên địa bàn thành phố hiện có 24 trung tâm thương mại (TTTM), gồm: 12 TTTM hạng 1; 12 TTTM hạng 3; 140 siêu thị (30 siêu thị hạng 1; 42 siêu thị hạng 2; 58 siêu thị hạng 3 và 10 siêu thị đang làm các thủ tục phân hạng); hơn 1000 cửa hàng tiện lợi. Nhìn chung các hệ thống bán lẻ đang phát triển tốt, hàng hóa đa dạng phong phú, đảm bảo chất lượng, ATTP, mẫu mã đẹp... phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, tỷ trọng bán lẻ chiếm khoảng 40% trên địa bàn. Hiện nay, thành phố đang chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng: Kế hoạch Phát triển thương mại - dịch vụ văn minh hiện đại trên địa bàn thành phố đến năm 2025; mạng lưới máy bán hàng tự động đặt tại địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, nhằm quản lý và phát triển tốt loại hình bán lẻ hiện đại.

Trong lĩnh vực quản lý, phát triển chợ: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 456 chợ (trong đó có 15 chợ hạng 1; 56 chợ hạng 2; 352 chợ hạng 3; 31 chợ chưa phân hạng). Trong tổng số 454 chợ có khoảng 91 chợ kiên cố (chiếm 20%); 247 chợ bán kiên cố (chiếm 54,5%); 116 chợ lán tạm (chiếm 25,5%). Chợ họp cả ngày và liên tục trong các ngày là 232 chợ (chiếm 51%); chợ họp nửa ngày 121 chợ (chiếm 27%) và chợ họp theo phiên 101 chợ (chiếm 23%). Tại khu vực các quận nội thành các chợ họp chủ yếu là cả ngày, nửa ngày các ngày trong tháng. Đối với các huyện, thị xã thì số chợ hoạt động theo phiên là chủ yếu.

Hiện nay, UBND thành phố đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn 25 quận, huyện, thị xã với tổng số 202 chợ giai đoạn 2017-2020. Đối với 5 quận, huyện còn lại, có 3 quận, huyện đã hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ (gồm Hoàn Kiếm, Long Biên, Thanh Trì) và 2 quận (Hai Bà Trưng, Cầu Giấy) thực hiện sát nhập ban quản lý, chưa thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý giai đoạn 2017-2020.

Đến nay, thành phố đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ được 167 chợ/454 chợ trên địa bàn (đạt 36,78%), trong đó: 54 chợ do hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác; 113 chợ do doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác; 68 chợ do ban quản lý chợ quản lý (chiếm 15,2%); 219 chợ do tổ quản lý chợ quản lý hoặc xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý (chiếm 48%).

Về chợ đầu mối và có tính chất đầu mối: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 chợ đầu mối (Chợ đầu mối Minh Khai; Chợ đầu mối phía Nam) và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối (Chợ Long Biên có tính chất đầu mối hoa quả và rau các loại; chợ cá Yên Sở có tính chất đầu mối thủy sản; chợ gia cầm Hà Vĩ có tính chất đầu mối gia cầm, thủy cầm; chợ Nành có tính chất đầu mối vải vóc, quần áo; chợ hoa Quảng An có tính chất đầu mối hoa). Theo quy hoạch được phê duyệt, trên địa bàn Thành phố sẽ xây dựng mới 6 chợ đầu mối tại các khu vực: Tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) diện tích 30ha; tại xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) diện tích 20ha; tại xã Thanh Lâm, xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) diện tích 30ha; tại xã Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên), diện tích 30ha; tại xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) diện tích 30ha.

Theo quy hoạch phát triển thương mại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-BCT ngày 29/1/2016, trên địa bàn thành phố Hà Nội có quy hoạch xây dựng mới 1 chợ đầu mối tại huyện Đan Phượng. Hiện Thành phố đang làm việc với Tập đoàn Semmaris - Pháp và Tập đoàn Vingroup để giới thiệu về địa điểm, quy mô khu đất dự kiến đầu tư xây dựng chợ đầu mối tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm. Theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các quận, huyện, thị xã và qua rà soát nhu cầu phát triển của các địa phương tổng số chợ trên địa bàn thành phố là 643 chợ (tăng 44 chợ so với quy hoạch), trong đó: 33 chợ hạng 1; 58 chợ hạng 2; 552 chợ hạng 3.

Căn cứ Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 8/12/2017 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn gồm chợ nông thôn và các cơ sở bán lẻ ở nông thôn. Trên địa bàn thành phố có 454 chợ, trong đó tại khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố hiện nay ngoài 260 chợ nông thôn còn có các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Tính đến tháng 6/2019, trên địa bàn thành phố số xã đạt tiêu chí số 7 cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn có 354/386 xã đạt và cơ bản đạt, còn 32 xã chưa đạt.

Dự kiến thực hiện giai đoạn 2019-2020, thành phố tiếp tục hướng dẫn với các xã chưa đạt tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, Sở Công Thương phối hợp ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy xây dựng các tiêu chí mới nâng cao, kiểu mẫu.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t