Nâng cao năng lực hệ thống đê điều Hà Nội: Bảo đảm phục vụ đa mục tiêu (04:56 01/04/2018)


HNP - Hệ thống đê điều Hà Nội có vai trò quan trọng, không chỉ mang lại nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội mà còn bảo vệ Thủ đô trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, từ thực trạng quản lý đang đặt ra nhiều thách thức về phòng, chống lũ, an toàn đê điều, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Vấn đề đặt ra, cần nâng cao năng lực cho hệ thống đê điều để bảo đảm phục vụ đa mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Cải tạo, nâng cấp đê sông Cà Lồ phục vụ phòng, chống thiên tai


Tiềm ẩn những nguy cơ

Trên địa bàn thành phố có 7 tuyến sông chính: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy. Ngoài ra, còn hệ thống sông nội địa gồm: Sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà... Cùng với hệ thống sông là hệ thống các công trình phòng, chống lũ. Vì vậy, hệ thống công trình đê điều của Hà Nội khá lớn với hơn 626km đê các loại. Trong đó, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đang trực tiếp quản lý hơn 404km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, còn lại 160km đê cấp IV và hơn 62km đê cấp V do chính quyền cấp huyện quản lý. Hệ thống đê điều của thành phố đi qua địa bàn 26/30 quận, huyện, thị xã với 224 xã, phường, thị trấn ven đê. Trong đó, có những phường, xã có địa giới hành chính nằm hoàn toàn ngoài bãi sông như: Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương, Yên Mỹ, Duyên Hà, Kim Lan, Văn Đức... Trên các tuyến đê có 155 kè lát mái và kè mỏ hàn dài gần 183,4km. Tổng số có 193 cống, 235 cửa khẩu, 366 điếm canh đê và cùng 73 điểm kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão. Hệ thống giếng giảm áp trên tuyến đê hữu Hồng có 279 giếng, trong đó: Huyện Phúc Thọ có 56 giếng, Đan Phượng 16 giếng, Thanh Trì 62 giếng, Bắc Từ Liêm 55 giếng và Hoàng Mai có 90 giếng giảm áp.

Hệ thống công trình đê trên địa bàn thành phố được hình thành và phát triển từ lâu. Hằng năm, được sự quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn trung ương và địa phương đầu tư, tu bổ, nâng cấp đã phát huy tốt vai trò phòng, chống lụt bão, đặc biệt qua thử thách với những trận lũ lớn các năm 1971, 1985, 1996, 2002. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề trong phòng, chống lũ, an toàn đê điều, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến bất thường như hiện nay. Đê chủ yếu đắp bằng đất, mặt cắt đê nhỏ, mặt đê được cứng hoá nhưng chỉ chịu được tải trọng nhẹ. Thân đê còn nhiều ẩn hoạ, địa chất nền đê yếu, hầu hết các cống dưới đê xây dựng từ lâu, đã xuống cấp hư hỏng. Bờ bãi sông vẫn còn nhiều đoạn có nguy cơ sạt lở, mặt đê chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi Cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, về quy mô, kết cấu, hình thức, các chỉ tiêu kỹ thuật của hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố mới chỉ chú trọng nhiệm vụ phòng, chống lũ, các nhiệm vụ như kết hợp giao thông và cảnh quan chưa được quan tâm đầu tư theo quá trình phát triển hiện nay. Sử dụng hệ thống đê điều để vận chuyển hàng hoá với tải trọng lớn vẫn thường xuyên diễn ra. Nhưng nhiều tuyến đê (thân đê, bề rộng mặt đê) chưa đảm bảo cho xe có tải trọng lớn dẫn đến nhiều đoạn đê bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng. Do các hồ chứa lớn như: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình cắt lũ, chứa lượng lớn nước ở thượng du, vì vậy, hằng năm, hệ thống đê điều ít phải thử thách với lũ lớn, nên các điểm yếu, ẩn hoạ của hệ thống đê điều chưa được phát hiện, sẽ gây ra áp lực lớn cho nhiệm vụ phòng, chống lũ của hệ thống đê điều khi xuất hiện lũ vượt tần suất thiết kế hoặc có sự cố hồ chứa thượng lưu.

Mặt khác, tập quán sinh sống, xây dựng nhà cửa dọc hai bên đê để tránh ngập lụt và thuận tiện, giao thông đã hình thành một cách tự nhiên từ hằng trăm năm nay. Chính vì vậy, tại một số khu vực dân cư sinh sống ngay sát chân đê, thậm chí mặt, mái đê. Việc giải toả các công trình trong phạm vi bảo vệ đê gặp nhiều khó khăn cả về pháp lý, bởi khu dân cư hình thành trước khi Luật Đê điều ra đời. Về mặt xã hội thì việc giải toả cũng gây xáo trộn đến cuộc sống đã ổn định của người dân. Còn về mặt kinh tế thì chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư khá lớn.

Xây dựng hệ thống đê điều đáp ứng đa mục tiêu

Hiện nay, hệ thống công trình đê, kè, cống trên địa bàn thành phố đáp ứng cơ bản yêu cầu phòng chống lũ, lụt, sạt lở bờ bãi sông. Tuy nhiên, trên hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Đuống... còn nhiều đoạn chưa đảm bảo mặt cắt, mặt đê chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Không những thế, toàn thành phố có 265km kè bờ sông nhưng đến nay mới được đầu tư gia cố chống sạt lở được 118,4km. Trong số chiều dài tuyến kè còn lại chưa được gia cố có nhiều khu vực vẫn có nguy cơ sạt lở, nhiều công trình đê, kè, cống đã xuống cấp, hư hỏng cần phải được đầu tư, nâng cấp tu bổ. Vì vậy, cần phải tăng cường nguồn lực tài chính cho đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đê điều đảm bảo ổn định lâu dài, hạn chế xảy ra rủi ro khi lũ, bão lớn và bảo đảm an toàn chống lũ, bão với mức thiết kế. Bên cạnh đó, tạo điều kiện mở rộng mặt đê đảm bảo thuận lợi cho công tác kiểm tra, cứu hộ đê khi cần thiết.

Để xây dựng hệ thống đê điều phục vụ đa mục tiêu, trước tiên là bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng, chống lũ kết hợp phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường thành phố. Muốn làm được việc này, cùng với tăng cường nguồn lực đầu tư, cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý. Theo đó, đi đôi với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của người dân, một trong những giải pháp quan trọng không thể không nhắc đến là tăng cường công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, nhất là ngăn chặn hành vi tái vi phạm; đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê...

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành thành phố cần phối hợp chặt chẽ, kiên quyết, kịp thời hơn nữa trong công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Thực hiện lồng ghép nội dung phòng, tránh và thích nghi với thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và vào các chương trình, dự án của các cấp, các ngành, của từng lĩnh vực để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm phát triển bền vững. Việc lập, xây dựng kế hoạch, phương án phòng tránh, ứng phó với thiên tai phải được chuẩn bị thật chu đáo, phù hợp với đặc điểm từng địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t