Tọa đàm về nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm (21:48 29/08/2017)


HNP - Chiều 29/8, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm”.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm


Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện nay,  vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Chưa bao giờ sự lo ngại trước vấn đề ATTP lại tăng cao như hiện nay.
 
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: công tác bảo đảm ATTP đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đó là vấn đề dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hoá chất bảo quản trong nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, hải sản vẫn chưa kiểm soát được. Vấn đề chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế do trình độ, quy mô sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta với gần 90% là chế biến thủ công, hộ gia đình, cá thể. Vì vậy, điều kiện vệ sinh ATTP của các cơ sở chế biến thực phẩm loại này hầu như không đạt yêu cầu. 
 
Đại diện cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP thành phố, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin: ATTP là vấn đề ảnh hưởng nhiều và trực tiếp tới sức khoẻ của người dân. Trong thời gian qua, thành phố đặc biệt chú trọng và tập trung chỉ đạo vấn đề này. Trên địa bàn thành phố có khoảng 60.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ với 24 trung tâm thương mại, 124 siêu thị, 454 chợ… tuy nhiên, chỉ đạt 60-70% sản phẩm đáp ứng cho người dân toàn thành phố Hà Nội. 
 
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đưa ra nhiều vấn đề về: thực phẩm buôn bán trên thị trường vẫn chưa kiểm soát hiệu quả, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông trên thị trường. Vấn đề thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật và thuốc thú y nhập lậu qua biên giới diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc cho tất cả các cơ quan quản lý và xã hội. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh ATTP của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng còn chưa cao… 
 
Tại hội nghị, đại diện Chi cục Quản lý Thị trường; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế; Chi cục Thú Y Hà Nội; Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội… phát biểu và trả lời các câu hỏi của độc giả. Trong đó có nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề sử dụng thực phẩm trong đời sống như: có phải hiện nay, tất cả các thực phẩm đều có nguy cơ gây hại sức khỏe không? Làm thế nào để phân biệt được thực phẩm sạch với thực phẩm độc hại như đậu phụ có thạch cao, miến bẩn nhuộm hóa chất…thế nào là rau sạch? Có phải rau sạch là thực phẩm không bị phun hoá chất? Dựa trên cơ sở nào để biết được liệu các hàng quán đó chế biến đồ ăn có đảm bảo vệ sinh hay không?
 
Ngoài ra, các đại biểu còn giải đáp những thắc mắc của độc giả về lĩnh vực như: việc sử dụng hóa chất, hàn the, thuốc cấm trong chăn nuôi, mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, cung cấp thực phẩm cho các trường học… người dân có thể thông tin tới các cơ quan chức năng thông qua hình thức nào?...
 
Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 1.600 người mắc, khoảng 1.400 người nhập viện và 17 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố ghi nhận 7 vụ ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với 31 trường hợp mắc và 6 trường hợp tử vong.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t