Bí thư Thành ủy: Đào tạo phải gắn với thực hành và nhu cầu của xã hội (19:36 17/11/2018)


HNP - Sáng 17/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị


Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
 
Theo báo cáo do đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy trình bày tại hội nghị, thực hiện Nghị quyết 29, TP Hà Nội đã ban hành 32 văn bản lớn để chỉ đạo, triển khai trên địa bàn. Hà Nội luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới là một trong 3 khâu đột phá của Thành phố được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI.
 
Trong 5 năm qua, Thành phố luôn quan tâm, tạo mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho GD&ĐT; xây dựng đội ngũ nhà giáo cán bộ quản lý giáo dục và các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục. Giai đoạn này, Thành phố đã triển khai 952 dự án cải tạo và xây mới trường học, với kinh phí trên 20,3 nghìn tỷ đồng (trong đó xây mới 211 trường học). Công tác xây dựng trường đạt Chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Hết năm 2017, tỷ lệ trường đạt Chuẩn quốc gia của toàn thành phố đã đạt 52% (trong đó công lập là 62%, dự kiến hết năm 2018 sẽ đạt 66%).
 
Cùng với đó, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến rõ nét. Đội ngũ cán bộ giáo viên được tăng cường và đảm bảo chuyên môn, năng lực sư phạm, 100% giáo viên ở các cấp học đều đạt chuẩn. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới, nền nếp và kỷ cương được duy trì…
 
Hà Nội cũng rất quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực GD&ĐT, đặc biệt là trong tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong  GD&ĐT, nhất là đã thí điểm mô hình trường chất lượng cao, trường đào tạo song bằng... “Tất cả những kết quả đó đã thực sự đưa Hà Nội tiếp tục trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực GD&ĐT” – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 29, như việc quy hoạch mạng lưới trường lớp phân bố không đều, nhiều phường của các quận ven đô có số lớp học/trường, học sinh/lớp vượt quá quy định; cơ sở vật chất của các trường ngoài công lập không ổn định, chủ yếu phải thuê mượn; trình độ chuyên môn và chất lượng đội ngũ giáo viên còn có sự chênh lệch giữa các vùng, việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa hiệu quả…
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Thành phố quan tâm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, qua đó, đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo và các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo… 
 
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị
 
Đồng chí Nguyễn Thanh Long đề nghị, trong thời gian tới, Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề truyền thông, phổ biến nghị quyết liên quan đến giáo dục, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục để mỗi người dân hiểu được chủ trương trong đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp GD&ĐT; tăng cường đổi mới đội ngũ giáo viên đạt cao hơn so với các tỉnh, thành trong cả nước; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của sự nghiệp đổi mới; tiếp tục củng cố, hoàn thiện, quan tâm công tác thi cử, giảm tải được các kỳ thi; chú trọng xây dựng cơ sở đào tạo giáo dục dạy nghề có địa chỉ…. Đặc biệt, tiếp tục sự nghiệp đổi mới giáo dục từ phương pháp, cách làm, dự báo được sự thay đổi dân số để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn thời gian tới.
 
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định: Hà Nội đã ưu tiên đầu tư, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết 29; đồng thời, được đông đảo cán bộ, đảng viên, các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo và nhân dân đồng thuận hưởng ứng.
 
Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo và mọi tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp GD&ĐT Thủ đô; biểu dương và chúc mừng những thành tích mà ngành giáo dục Thành phố đã đạt được trong thời gian qua.
 
Bí thư Thành ủy cho rằng, sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước ta trong kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, kinh tế tri thức, phát triển bền vững đòi hỏi phải quan tâm nhiều hơn, tạo bước chuyển mạnh hơn nữa trong lĩnh vực GD&ĐT.
 
Đồng chí đề nghị, cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 29. Đặc biệt, phương pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết cần bảo đảm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn Thủ đô, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới và phát triển GD&ĐT.
 
Cùng với đó, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất, lối sống, tác phong mẫu mực của nhà giáo; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên.
 
Bí thư Thành ủy lưu ý, cần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng văn hóa học đường và môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; tuyên truyền, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử văn hóa trong học đường và nơi công cộng. Đặc biệt, phải quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí đủ nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đào tạo của Thành phố.
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp học nghề và phân luồng học sinh sau trung học, trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác này ở trong và ngoài nhà trường. Đặc biệt, phải tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào công tác định hướng, phân luồng. “Chú trọng đào tạo gắn với thực hành và nhu cầu xã hội; tránh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ” - Bí thư Thành ủy lưu ý.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t