Huyện Sóc Sơn phát triển mô hình trồng đào rừng (21:08 26/01/2017)


HNP - Trước nhu cầu tìm đào rừng trưng bày dịp Tết của người dân Thủ đô, huyện Sóc Sơn đã quy hoạch phát triển vùng trồng đào tại 2 xã Minh Trí và Minh Phú nơi chủ yếu có diện tích đất đồi gò khó canh tác. Hiện nay, mô hình trồng đào rừng trên đất đồi gò Sóc Sơn đang phát triển tốt giúp người dân miền núi của huyện có thêm thu nhập, có thêm sinh kế vươn lên thoát nghèo. 

Mô hình đào rừng đã giúp tăng thu nhập của nhiều hộ dân ở Sóc Sơn


Thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km. Đây là địa phương vùng sâu, vùng xa của Hà Nội, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Toàn thôn có khoảng 1000 ha đất tự nhiên, chủ yếu là đất đồi gò, trước đây người dân chỉ trồng chè và các loại cây ăn quả nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ những cây đào rừng trồng để chơi tết, nhận thấy tiềm năng phát triển của cây đào rừng phù hợp với vùng đất đồi gò của địa phương lại cho giá trị kinh tế cao, các hộ dân trong thôn đã chuyển đổi phát triển mô hình trồng đào rừng phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô trong dịp Tết nguyên đán. 
 
Như hộ gia đình anh Nguyễn Đình Bảo, tổ 1, thôn Minh Tân; được sự hỗ trợ kỹ thuật của Phòng Kinh tế huyện, từ năm 2013, trên diện tích 1800 m2, gia đình anh đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng đào rừng. Sau 3 năm phát triển, mỗi năm, gia đình anh thu nhập trên 120 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 10 lần so với việc trồng chè và cây ăn quả trước kia.
 
Toàn thôn Minh Tân hiện có 165 hộ gia đình, trong đó, 70% số hộ đã chuyển sang phát triển trồng đào rừng.Hiện nay, cây đào rừng là loại cây chủ lực, phù hợp với chất đất ở vùng đất này nên cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây khác. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng nhưng do nắm vững kỹ thuật, hạn chế chăm sóc, tuốt lá muộn hơn mọi năm nên hiện nay đào rừng Minh Tân dự kiến sẽ nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán. 
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn phát biểu: Đào rừng ở Minh Tân thường được những người mua buôn ở dưới trung tâm Hà Nội lên đặt mua từ trước Tết khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, vào những ngày giáp Tết ở đây vẫn nhộn nhịp, bởi du khách lên đây mua đào rừng, bình quân mỗi ngày có khoảng 100 khách về đây tìm mua. 
 
Toàn huyện Sóc Sơn hiện có 35 ha trồng đào rừng tập trung chủ yếu tại 2 xã Minh Trí và Minh Phú, trong đó, riêng xã Minh Trí có khoảng 30 ha diện tích trồng đào rừng của toàn huyện. Để hỗ trợ cho người dân phát triển mô hình trồng đào rừng, từ năm 2008, phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với chinh quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây đào cũng như hỗ trợ nguồn giống cũng như hỗ trợ cho các hộ dân quy hoạch xây dựng mô hình để phát triển ổn định. 
 
Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết: việc phát triển mô hình trồng đào rừng trên đất đồi gò của huyện Sóc Sơn đang là một hướng đi đúng đắn giúp các hộ dân vùng sâu vùng xa của huyện có thêm nguồn thu nhập vươn lên thoát nghèo. Việc tìm ra cây đào phai là cây chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao, đã gúp đời sống nhân dân 2 xã khó khăn của huyện Sóc Sơn thay da đổi thịt từng ngày. 
 
Những cánh đào phai mỏng manh khoe sắc hồng tươi thắm đang mang lại niềm vui, sắc Xuân cho người dân địa phương cũng như người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Bên cạnh đó, việc phát triển trồng đào rừng trên đất Thủ đô cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng khai thác tàn phá đào rừng tự nhiên mà vẫn đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân Thủ đô trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t