Phúc Thọ: Chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân (18:24 13/08/2013)


HNP - Sau 5 năm sáp nhập vào Thủ đô, huyện Phúc Thọ đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch rõ nét, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.

Mô hình trồng rau an toàn tại xã Thanh Đa


Trước khi hợp nhất, Phúc Thọ là một huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu, không đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do là vùng phân lũ của tỉnh Hà Tây và Thành phố Hà Nội. Kinh tế huyện lại phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ còn nhỏ lẻ, chưa phát triển. Tỷ lệ người dân sống tại nông thôn tới 96%, trình độ dân trí chưa cao và không đồng đều, người dân ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin và khoa học kỹ thuật…
 
Sau 5 năm về với Thủ đô, mặc dù những khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng bộ mặt nông thôn huyện Phúc Thọ đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được nâng cao hơn trước. Ngành nông nghiệp huyện nhận được đầu tư theo hướng mở rộng, đa dạng hoá, hiện đại hoá các mô hình sản xuất. Toàn huyện có 265 dự án chuyển đổi cơ cấu kinh tế với diện tích gần 500 ha, trong đó 75 dự án đạt tiêu chí kinh tế trang trại; huyện đã hình thành các cánh đồng mẫu lớn và vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn như sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại các xã Thanh Đa với diện tích 50 ha, Võng Xuyên 70 ha, Thọ Lộc 50 ha, Hát Môn 50 ha; trồng hoa chất lượng cao ở Tam Thuấn diện tích 1ha; trồng lúa hàng hoá chất lượng cao với diện tích 300 ha và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương. Công tác dồn điền đổi thửa được nhận được sự đồng thuận của nhân dân, trong 2 năm 2012 – 2013, huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa hơn 3.609ha. Các xã đã lập xong phương án dồn điền đổi thửa và được UBND huyện phê duyệt. Song song với đó là các công tác đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng, các công trình phục vụ công tác phát triển nông nghiệp cũng được tiến hành, tạo nên một nét mới trong phát triển kinh tế nông thôn. 
 
Cơ cấu kinh tế có bước chuyển biến đáng kể, tỷ trọng nông nghiệp giảm, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế theo hướng hiện đại. Trước năm 2008, tỷ trọng nông nghiệp của huyện chiếm 40,1% cơ cấu kinh tế thì hết năm 2012 con số này giảm xuống chỉ còn 30%. Tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ liên tục tăng so với các năm trước. Gần đây nhất, trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN ước đạt gần 608 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ; tổng mức lưu chuyển hàng hoá thực hiện ước đạt 1.026 tỷ đồng, tăng 13,7%; dịch vụ vận tải thực hiện trên 37 tỷ đồng, tăng 20,1% cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện 5 năm qua vẫn duy trì trên 10% năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 17,6 triệu đồng/năm, tăng 36% so với trước khi về Hà Nội; số gia đình nghèo giảm xuống chỉ còn 2.577 hộ, chiếm 6,02% dân số, còn số cận nghèo là 2.188 hộ, chiếm 5,11% dân số.
 
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, các hoạt động văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế... của huyện trong 5 năm qua được quan tâm chú ý, đầu tư phát triển. An sinh xã hội được đảm bảo, sự nghiệp văn hoá, xã hội tiếp tục được đẩy mạnh và có những chuyển biến thuận lợi. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hàng năm có trên 83% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá, 84 làng có quy ước làng văn hoá. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện chính sách với người có công và đối tượng xã hội được quan tâm sâu rộng hơn. Đến nay, huyện có 21 trường học đạt chuẩn quốc gia; 23 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
 
Đánh giá về tình hình phát triển của huyện sau 5 năm hợp nhất về Hà Nội, nguyên Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ Nguyễn Văn Đạt, người từng làm Bí thư Huyện ủy cả hai thời kỳ trước và sau hợp nhất, chia sẻ: sau 5 năm hợp nhất về với Hà Nội, Phúc Thọ đã có những chuyển biến đáng kể trên tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Nổi bật, kinh phí đầu tư cho phát triển hàng năm tăng lên đáng kể, nhất là đầu tư cho phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, giáo dục, văn hóa, y tế... Các chương trình này đều gắn với xây dựng nông thôn mới làm cho diện mạo làng quê thêm khởi sắc. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc về đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chỉ đạo giải quyết kịp thời... Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có những đổi mới theo hướng ngày càng khoa học, kịp thời, quyết liệt, bài bản hơn.
 
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ cho biết: Phúc Thọ có giai đoạn lịch sử từ những năm 1978-1991 là đơn vị hành chính của Thủ đô Hà Nội. Sau này theo nghị quyết của Quốc hội, Phúc Thọ trở thành một huyện của tỉnh Hà Tây. Từ năm 2008 đến nay, lại hợp nhất về với Hà Nội. Từ đó, Phúc Thọ đã có những thay đổi chuyển biến đáng kể trên tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Công tác quản lý chỉ đạo khoa học hơn, bài bản hơn xứng tầm với Thủ đô. Các chế độ, chính sách, đầu tư kinh phí cho phát triển kinh tế xã hội được tăng cường. Trong yêu cầu chung của Thủ đô làm cho bản thân mỗi cán bộ và nhân dân có ý thức để vượt lên chính mình. Vượt lên học tập từ các quận, huyện bạn.

Trúc Nhân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t
Bạn vui lòng chọn file quảng cáo để hiển thị !