Khống chế, đẩy lùi dịch lở mồm long móng (05:47 01/04/2020)


HNP - Chăn nuôi gia súc là một trong những lĩnh vực đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp, nhất là bệnh lở mồm long móng (LMLM). Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, Sở NN&PTNT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Nguy cơ lây lan nhanh

Thành phố Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc lớn nhất nhì cả nước. Bình quân hằng năm, nông dân thành phố chăn nuôi 23.000 con trâu, hơn 132.000 con bò và trên 1,6 triệu con lợn. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Từ năm 2016 đến nay, ngành Chăn nuôi gia súc của thành phố cơ bản phát triển ổn định và có xu hướng tăng về quy mô chăn nuôi phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung trang trại hoặc hộ gia đình xây dựng gia trại có đầu tư chăn nuôi mang tính chuyên nghiệp. Đáng chú ý, thành phố đã xây dựng và hiện đang duy trì được 31 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh đối với bệnh LMLM, trong đó, có 4 cơ sở chăn nuôi bò, 1 cơ sở chăn nuôi dê và 26 cơ sở chăn nuôi lợn. Hiện chăn nuôi gia súc đã đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thực phẩm của người dân Thủ đô, số còn lại phụ thuộc vào nguồn từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và nhập khẩu.

Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún còn chiếm tỷ lệ cao, gần 60%, trong khi quy mô hộ gia đình vẫn còn tồn tại nên người dân vẫn chưa chú trọng đến công tác phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi. Vì vậy, hằng năm, dịch bệnh vẫn xảy ra trên đàn vật nuôi gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Một trong những loại dịch bệnh xảy ra thường xuyên trên đàn gia súc đó là bệnh LMLM. Theo tổng hợp giai đoạn 2016-2020 của Sở NN&PTNT bệnh LMLM xảy ra các ổ dịch lẻ tẻ, duy nhất năm 2018, dịch LMLM gia súc đã xảy ra tại 22 xã thuộc 7 huyện trên địa bàn thành phố làm số gia súc ốm và tiêu hủy là 946 con. Dịch xảy ra tại hầu hết ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại không bảo đảm vệ sinh.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, nguyên nhân xảy ra bệnh dịch LMLM gia súc trên địa bàn thành phố yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa quan tâm đến việc vệ sinh chuồng trại và môi trường chăn nuôi được thường xuyên. Mặt khác, do điều kiện thời tiết bất lợi như độ ẩm không khí cao khiến sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm bị giảm tạo điều kiện cho mầm bệnh trỗi dậy. Ngoài ra, nguồn lợn giống buôn bán trôi nổi trên thị trường cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan rất cao. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, bệnh LMLM gia súc là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh. Bệnh lây lan qua đường tiếp xúc giữa động vật khỏe với động vật, sản phẩm động vật, thức ăn, nước uống, không khí, chất thải, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, có mang mầm bệnh. Bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác, nước này sang nước khác theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống kể cả thịt ướp đông, da, xương, sừng, móng, sữa, lông... Động vật mắc bệnh là các loài động vật có móng guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê...

Phòng dịch là chính, phát hiện dịch bệnh kịp thời

Xác định LMLM là dịch bệnh nguy hiểm, tính lây lan cao, khó khống chế nên từ năm 2016-2020, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt. Trong đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng vắc xin thường xuyên và bổ sung cho đàn vật nuôi. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc của thành phố đạt trên 80% tổng đàn lợn nái, lợn đực giống và trâu, bò. Các vùng có nguy cơ cao đạt trên 90% đối tượng cần tiêm. Sau các đợt tiêm phòng đại trà, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà nội triển khai lấy huyết thanh kiểm tra, đánh giá tỷ lệ bảo hộ để rút kinh nghiệm. Kết quả bảo hộ đạt trên 80%.

Với phương châm phòng dịch là chính, phát hiện dịch bệnh kịp thời, khoanh vùng khống chế không để dịch lây lan rộng, giảm thiểu thiệt hại, hằng năm Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập huấn quy trình giám sát, xử lý ổ dịch khi phát sinh trên đàn gia súc. Ngoài giám sát lâm sàng tại các cơ sở chăn nuôi, các đơn vị thuộc Sở còn phối hợp với các Cục Thú y, Viện Thú y… giám sát sự lưu hành của vi rút tại các lò mổ để dự báo sớm dịch bệnh, cung cấp thông tin trong việc chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch có hiệu quả…

Để từ bước không chế, tiến tới thanh toán dịch bệnh LMLM trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, ý thức phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng. Sở cũng sẽ tích cực tham mưu, xây dựng kế hoạch trình UBND thành phố hỗ trợ mua vắc xin LMLM tiêm cho đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống định kỳ 2 lần/năm và dự trữ tiêm phòng toàn đàn gia súc khu vực có nguy cơ cao. Cùng với giám sát sau tiêm phòng, giám sát lưu hành bệnh, vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục siết chặt quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc. “Sở NN&PTNT sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh LMLM và không khai báo kịp thời dịch bệnh” ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t