Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi để các trường tiếp cận với sách giáo khoa mới (19:52 28/12/2019)


HNP - Ngày 28/12, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến với 30 phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã giới thiệu 5 bộ sách giáo khoa lớp 1. Dự hội nghị có đại diện các nhà khoa học, các nhà xuất bản, cán bộ quản lý, giáo viên dự kiến dạy lớp 1 của các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị


Hội nghị nhằm giúp các nhà trường có căn cứ trong việc quyết định lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 để áp dụng, từ năm học 2020-2021, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. 5 bộ sách nằm trong "Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông" đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phê duyệt tại Quyết định số 4507/QĐ-BGD&ĐT ngày 21/11/2019. Trong số này, có 1 bộ sách của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm với tên gọi: Cánh diều; 4 bộ sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam mang tên: Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Chân trời sáng tạo. Các bộ sách đều được biên soạn theo hướng cụ thể hóa yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, giúp học sinh tự học và hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy. 
 
Tuy nhiên, sách giáo khoa trong Chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ là tài liệu dạy học, tùy theo tình hình thực tế, các nhà trường có thể lựa chọn sử dụng bộ sách giáo khoa khác nhau. Để có căn cứ pháp lý cho việc này, Bộ GD&ĐT cũng đang khẩn trương hoàn thiện, ban hành "Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông", trong đó, quy định các trường học phải thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ở đơn vị mình. 
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành trọn một ngày để nghe đại diện các nhà xuất bản, tác giả giới thiệu về đặc điểm nổi bật của từng bộ sách. Trong đó, bộ sách "Cánh diều" được biên soạn theo quan điểm: Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống. 
 
Theo ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thông tin: Nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường tiếp cận kỹ hơn với 4 bộ sách giáo khoa mới, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cung ứng khoảng 40.000 bản mẫu sách tới các địa phương. Đơn vị cũng đã biên soạn tài liệu giới thiệu các bộ sách giáo khoa mới để giáo viên, phụ huynh học sinh, những người quan tâm nắm rõ đặc điểm nổi bật của từng bộ sách và cam kết đồng hành, hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy. 
 
Thông tin tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Tự nhiên và xã hội lớp 1 (thuộc bộ sách "Cánh diều"), Sách giáo khoa mới mang tính kế thừa sách giáo khoa hiện hành, nhưng thay đổi cấu trúc của bài học nhằm thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển năng lực của học sinh. Bên cạnh kênh chữ, sách mới chú trọng kênh hình, có thêm nhiều bức tranh "biết nói", từ đó, giúp học sinh định hướng suy nghĩ, hành vi chứ không theo kiểu truyền dạy áp đặt.
 
Hội nghị cũng đã được nghe ý kiến tại các điểm cầu quận, huyện. Cụ thể, cho rằng khâu chọn sách có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng giáo dục, Bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết: 22 trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Trì đã tích cực cập nhật thông tin về các bộ sách giáo khoa mới. Nhằm giúp các trường có thêm thông tin trước khi quyết định sử dụng bộ sách nào, ngoài thành phần là Ban giám hiệu, Phòng đã triệu tập cả những giáo viên dự kiến sẽ dạy lớp 1 năm học 2020-2021. 
 
Đồng tình với quan điểm rằng khâu chọn sách có ý nghĩa quan trọng, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Ba Vì cho biết: Đơn vị đã kết nối thông tin từ điểm cầu của huyện tới các xã nhằm giúp tất cả cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh, người dân trên địa bàn có cơ hội nghe chính các tác giả biên soạn sách giáo khoa mới giới thiệu cụ thể từng bản sách. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Lựa chọn sách giáo khoa là nhiệm vụ rất quan trọng đối với các nhà trường, trong đó, giáo viên có vai trò nòng cốt. Hội nghị là dịp giúp các thầy, cô giáo có kênh thông tin tiếp cận tốt hơn với các bộ sách mới; là cầu nối để các tác giả biên soạn sách và các thầy, cô giáo trực tiếp trao đổi, tìm hiểu đầy đủ hơn về các bộ sách giáo khoa mới trong thời gian tới. 
 
Ngay sau hội nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Giáo dục phổ thông tập hợp đầy đủ thông tin cơ bản của 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, gửi về 30 phòng giáo dục và đào tạo của các quận, huyện, thị xã để các đơn vị triển khai tới các nhà trường. Đồng thời, tạo các điều kiện thuận lợi để các nhà trường, giáo viên tiếp cận nhiều hơn với sách giáo khoa mới. 

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t