Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội tích cực đưa nguồn vốn đến hộ nghèo, gia đình chính sách (06:11 14/02/2017)


HNP - Những năm qua, cùng với các sở ban ngành, đoàn thể, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thành phố Hà Nội đã tham gia hiệu quả vào công cuộc giảm nghèo của địa phương thông qua việc thực hiện các chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Hộ nghèo vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội phát triển kinh tế hộ gia đình


Điểm tựa để vươn lên thoát nghèo
 
Trong những năm vừa qua, NHCSXH thành phố Hà Nội luôn quan tâm đẩy mạnh tăng tưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại ngân hàng hiện nay là 2.366 tỷ đồng với trên 103.000 khách hàng vay vốn, thông qua các chương trình tín dụng như: cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay đối với hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, đồng bào dân tộc.
 
Đối tượng là các hộ gia đình, ngân hàng cho vay nhằm mục đích sử dụng vốn đa phần là mua con giống, cây giống, cải tạo vườn, ao, chuồng về trồng trọt và chăn nuôi, phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình. Với đặc thù hoạt động riêng có của NHCHXH, vốn tín dụng chính sách đã đến tay các đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội. Trong đó, Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các tổ chức chính trị xã hội triển khai phương thức cho vay uỷ thác từng phần, tổ chức ký kết văn bản liên tịch, hợp đồng uỷ thác, hợp đồng uỷ nhiệm để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai cho hộ gia đình vay vốn.
 
Việc thực hiện bình xét cho vay công khai tại các tổ tiết kiệm và vay vốn dưới sự chứng kiến của Ban giảm nghèo, các hội đoàn thể của xã và trưởng thôn, Ngân hàng đã giải ngân trực tiếp cho các hộ vay vốn tại các điểm giao dịch tại xã, đã thực sự phát huy hiệu quả và huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng và thuận tiện cho người vay.
 
Theo phương thức ủy thác cho vay này, tổ chức ngân hàng có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của các hội đoàn thể được mở rộng, phong phú, uy tín của các hội đoàn thể xã được nâng lên.
 
Mạng lưới hoạt động được mở rộng, đáp ứng yêu cầu người dân
 
Tại các điểm giao dịch, ngân hàng CSXH thực hiện giải ngân, thu nợ trực tiếp đến từng người vay. Cán bộ ngân hàng luôn công khai các chế độ, chính sách, công khai danh sách hộ gia đình được giải ngân và dư nợ từng chương trình cho vay. Thông báo các quy định mới, lãi suất, mức vay của các chương trình tín dụng qua bảng thông tin giúp cho người dân hiểu rõ các quy định và nâng cao hiểu biết về từng chương trình tín dụng ưu đãi, đồng thời để nhân dân giám sát việc giải ngân cho vay ngay tại điểm giao dịch, tiết giảm chi phí đi lại trong quá trình giao dịch với ngân hàng.
 
Đây chính là mô hình đặc thù, sáng tạo riêng có của Ngân hàng CSXH thành phố nhằm giúp chuyển tải dòng vốn tín dụng ưu đãi được kịp thời, hiệu quả, đến đúng các đối tượng thụ hưởng.
 
Bên cạnh việc hướng dẫn về thủ tục, Ngân hàng đã đưa ra mức cho vay hợp lý, đáp ứng được nhu cầu vốn tổ chức sản xuất kinh doanh của mô hình hộ kinh doanh cá thể với mức tối đa là 50 triệu đồng/hộ. Với lãi suất ưu đãi, thủ tục vay đơn giản, gọn nhẹ, không cần tài sản đảm bảo, hộ gia đình được tạo điều kiện nhận tiền vay và trả nợ ngay tại UBND xã, thị trấn. Vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng CSXH thành phố một mặt đã góp phần đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn, mặt khác, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ vay bổ sung vốn sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững.
 
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH đã cùng giúp bà con nghèo trên địa bàn thành phố vượt qua những chặng đường khó khăn để ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Thành quả này được ghi nhận bằng chính đời sống kinh tế của người dân được nâng lên. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội theo chuẩn chung cả nước cũng giảm từ 4,6% đầu năm 2011 xuống còn dưới 0,27% vào cuối năm 2016. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 1,45 lần.
 
Theo Ban giám đốc chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội, để phát huy được hiệu quả, trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ kiến nghị UBND thành phố quan tâm bố trí vốn chuyển sang Ngân hàng CSXH để triển khai cho vay thực hiện Chương trình 02/Ctr-TU của thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, Ngân hàng cũng tiếp tục phát huy hiệu quả phương thức cho vay uỷ thác qua các tổ chức chính trị xã hội thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập và hoạt động tại các thôn, cụm dân cư.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t