Bất cập trong nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội (14:39 09/11/2016)


HNP - Để tăng giá trị sản xuất trên đất trồng lúa kém hiệu quả, Hà Nội đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích sang nuôi trồng thủy sản. Mô hình này từng bước khẳng định được tính ưu việt thúc đẩy sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn. Đây cũng là tiền đề nâng cao thu nhập cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, ngành Thủy sản Thủ đô lại đang thiếu cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực này.

Nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi thủy cầm ở xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) hiệu quả kinh tế cao


Thiếu cán bộ chuyên môn

Không có nhiều thuận lợi như các huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hòa, nơi có nhiều tiềm năng để nuôi trồng thủy sản, với 800ha mặt nước, những năm gần đây ngành nuôi trồng thủy sản ở huyện Thường Tín đã đạt được những kết quả đáng kích lệ trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết, sản lượng thủy sản của Thường Tín liên tục tăng trong những năm gần đây là nhờ nông dân mày mò tìm hiểu áp dụng đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vì vậy, năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản từng bước được nâng cao. Cùng với đó, việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, năng suất bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản được triển khai tích cực nên diện tích nuôi trồng thủy sản của Thường Tín tăng nhanh và hướng đến nền sản xuất hàng hóa trên qui mô lớn.

Tuy nhiên, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Thường Tín đang gặp một số khó khăn cần tháo gỡ do giống sản xuất chủ yếu là giống thủy sản truyền thống, số lượng đáp ứng 80-85%, giống thủy sản chất lượng nuôi đạt năng suất cao chủ yếu được nhập về nuôi nên thành phố không chủ động được về nguồn giống. Sản phẩm không tập trung, một số đối tượng nuôi có chất lượng và giá trị kinh tế cao còn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu nuôi thả. Bên cạnh đó, diện tích nuôi thủy sản thâm canh chiếm tỷ lệ thấp, năng suất nuôi bình quân thấp; cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ về hệ thống giao thông, thủy lợi… Khó khăn lớn nhất là tình trạng thiếu cán bộ kỹ thuật chuyên trách về lĩnh thủy sản. Không chỉ thiếu cán bộ chuyên môn về lĩnh vực thủy sản ở huyện, ở cấp xã lại càng thiếu cán bộ kiêm nhiệm nên vấn đề hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, xử lý dịch bệnh cũng như xử lý ô nhiễm môi trường.

Không riêng huyện Thường Tín, nhiều vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự, thiếu cả cán bộ chuyên trách ở cấp huyện và cán bộ kiêm nhiệm ở cấp cơ sở. Về góc độ thành phố, đội ngũ cán bộ chuyên ngành cũng rất mỏng nên không thể vươn tới cơ sở cầm tay chỉ việc cho nông dân. Giải quyết khó khăn, biện pháp hữu hiệu nhất là mở các lớp tập huấn truyền đạt kiến thức quản lý môi trường, kiểm soát, xử lý dịch bệnh... trong chăn nuôi. Tuy nhiên, chất lượng các lớp tập huấn không cao, thời gian trong vòng có 3 ngày, lại nặng về lý thuyết, thiếu sự thực hành, trong khi đó việc tiếp thu kiến thức của người chăn nuôi có hạn...

Giải quyết những bất cập

Sau 5 năm triển khai chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản Hà Nội giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020, ngành Thủy sản Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả. Với gần 31.000ha mặt nước (bao gồm cả ruộng trũng, mặt nước lớn và ao hồ nhỏ) cho thấy tiềm năng phát triển thủy sản của Hà Nội khá lớn. Ngoài ra, còn một số con sông lớn như: sông Hồng, sông Bùi, sông Tích, sông Đáy… có khả năng phát triển nuôi cá lồng bè. Qua tìm hiểu, hiện nay, người nông dân các địa phương vẫn làm theo cảm tính, kinh nghiệm là chủ yếu. Hà Nội cũng chưa xác định được đối tượng nuôi chủ lực, nuôi với mục tiêu gì, sản xuất hàng hóa hay xóa đói giảm nghèo, nhất là việc chưa giải được “bài toán” thiếu một đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở cơ sở là điều đáng để suy nghĩ.

Theo các chuyên gia Ngành Thủy sản, Hà Nội cần phải tính toán lại lợi thế của từng vùng, giải quyết nhiều khâu như vùng nuôi ổn định, đối tượng nuôi... Đặc biệt đối với mạng lưới cán bộ thủy sản, mỗi huyện trên địa bàn thành phố nên bố trí ít nhất một cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực thủy sản, với vùng trọng điểm có thể là hai cán bộ. Ở cấp xã nên phân công một cán bộ kiêm nhiệm theo dõi và có chế đội chính sách đối với họ. Thế nhưng để thực hiện được việc này rất khó khăn đối với Hà Nội do gặp phải những khó khăn trong khâu tuyển dụng cán bộ. Còn mạng lưới cấp xã chưa có chân rết, trong lĩnh vực nông nghiệp các xã chỉ có một bộ kiêm nhiệm mảng trồng trọt, bảo vệ thực vật và một cán bộ kiêm nhiệm chăn nuôi, thú y.    

Khắc phục những tồn tại trên, các địa phương cần phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có trong nuôi trồng thủy sản; xây dựng mô hình nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ tiên tiến đạt sản lượng, chất lượng cao; cung cấp đủ giống thủy sản đảm bảo chất lượng cho các vùng nuôi trên địa bàn thành phố và tỉnh lân cận nâng cao năng suất, sản lượng. Hỗ trợ xây dựng, hình thành các vùng nuôi tập trung quy mô lớn; khuyến khích doanh nghiệp trong công tác tiêu thụ, bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản. Thành phố cần có chính sách ưu đãi tăng cường và bố trí cán bộ một cách hợp lý mới nâng cao được hiệu quả sản xuất trong giai đoạn tới.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t