Hà Nội: Chống dịch nhưng vẫn phải bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội (19:57 26/02/2020)


HNP - Chiều 26/02, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị bàn các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 của thành phố trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Cùng dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản; Đại diện các cơ quan Trung ương; các sở, ban, ngành của thành phố.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị


Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn biến rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Thành phố. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nằm trong chuỗi giá trị với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản bị ảnh hưởng (trực tiếp là lĩnh vực du lịch, xuất, nhập khẩu, lao động, các ngành xản suất có đầu vào nguyên liệu từ các quốc gia này). Bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, vẫn có một số lĩnh vực có cơ hội để phát triển như: sản xuất thiết bị y tế, bảo hộ sức khỏe, dược phẩm,… Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi, dự kiến hoàn thành kế hoạch năm 2020.
 
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị
 
Cụ thể, về tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 6,1%). Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 5,8%).
 
Khách du lịch giảm mạnh, trong đó khách Trung Quốc giảm 60%; Malaysia giảm 34,9%; Singapore giảm 19,6%; Thái Lan giảm 13,4%;... Khách du lịch nội địa giảm 21,2%. Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 0,5%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 3%,...
 
Riêng sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi; đã hoàn thành thu hoạch cây vụ Đông; lúa Xuân đang sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo thời vụ. Chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, từ cuối tháng 01 không phát sinh ổ dịch mới. Cúm A/H5N6 đang xảy ra cục bộ trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. 
 
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 205,3 triệu USD, trong đó, đã cấp mới 111 dự án với vốn đầu tư đăng ký 52,9 triệu USD; 17 lượt dự án tăng vốn với số vốn đầu tư đăng ký 76,7 triệu USD; 166 lượt chấp thuận góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam với trị giá 75,7 triệu USD. 
 
Tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 51.470 tỷ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ, đạt 18,5% dự toán năm. Chi ngân sách địa phương ước đạt 8.891 tỷ đồng, đạt 8,6% dự toán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai giảm 0,07% so với tháng Một tăng 5,16% so với cùng kỳ năm 2019. 
 
Cũng theo đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tả châu Phi và cúm A/H5N6, mục tiêu tăng trưởng từ 7,5% trở lên là thách thức rất lớn. Căn cứ tình hình 2 tháng đầu năm 2020; kịch bản tăng trưởng của cả nước; đánh giá tác động của dịch bệnh đến phát triển của các ngành, lĩnh vực và những tình huống giả định của dịch bệnh, Kịch bản tăng trưởng năm 2020 phấn đấu hoàn thành kế hoạch (7,53%); trong đó, công nghiệp, xây dựng tăng thấp hơn KH 0,19 điểm % nhưng được bù đắp bởi ngành dịch vụ (tăng cao hơn KH 0,03 điểm %), thuế sản phẩm (tăng cao hơn KH 0,01 điểm %) và nông nghiệp (tăng cao hơn KH 0,96 điểm %).
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, Dịch bệnh Covid-19 hiện nay sẽ ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như thế nào thì phụ thuộc vào việc đánh giá được những khó khăn, nhìn ra những cơ hội để giảm thiểu ít nhất tác động này.

Về những giải pháp cụ thể cần thực hiện trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Số một vẫn là phòng chống dịch bệnh, trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền, làm sao cho mọi người dân yên tâm, ổn định; phấn đấu trên địa bàn Thành phố không để xảy ra lây nhiễm chéo. Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư trên địa bàn; Cụ thể các biện pháp phát triển kinh tế. “Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, từng đơn vị, từng ngành phải khảo sát, đưa ra các giải pháp thiết thực trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, cần có những giải pháp về vốn; công ăn việc làm” - Chủ tịch UBND thành phố lưu ý.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t