Thủ đô Hà Nội đóng góp tích cực trong tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước (22:53 25/06/2019)


HNP - Từ năm 2016 đến nay, kinh tế của Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, có đóng góp tích cực trong tăng trưởng của Vùng và cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 3 năm, 2016-2018, tăng 7,19%. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng. Đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Mặc dù chỉ chiếm 21,2% diện tích, 41,7% về dân số, nhưng Hà Nội đã đóng góp 51,1% về GRDP, 54,1% về thu ngân sách, 203,% về xuất khẩu trong Vùng KTTĐ Bắc Bộ. 


Hợp tác liên kết phát triển Vùng được đẩy mạnh
 
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều quyết định để định hướng tăng cường liên kết phát triển Vùng, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Thành lập: Tổ chức điều phối phát triển các Vùng; Ban chỉ đạo Hội đồng Vùng; Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Đây là khung khổ pháp lý quan trọng nhằm tăng tính hiệu quả và đồng bộ trong quá trình phát triển Vùng. 
 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2015-2016, thành phố Hà Nội đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị hợp tác phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ năm 2016. Hội nghị đã thống nhất ban hành Kế hoạch điều phối phát triển Vùng giai đoạn 2017-2020; 15 tỉnh, thành phố vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô đã ký biên bản hợp tác giai đoạn 2017-2020. Năm 2018, Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội hợp tác đầu tư và phát triển” với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển Vùng” .
 
Trong thời gian vừa qua, các tỉnh, thành phố trong Vùng, trong đó có thành phố Hà Nội đã tích cực tham gia, phối hợp trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng; thực hiện tốt kế hoạch điều phối phát triển Vùng, thiết lập hệ thống thông tin Vùng;... Tất cả các nội dung công việc đó đã tạo ra những kết quả bước đầu trên một số lĩnh vực.
 
Trong lĩnh vực Giao thông vận tải, nhiều dự án đầu tư xây dựng phục vụ kết nối liên vùng tiếp và khớp nối kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết tiếp tục được các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí vốn đầu tư để khởi công hoặc hoàn thiện, nâng cấp. 
 
Về thương mại, du lịch, các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì nhiều chương trình kết nối, quảng bá, giao thương thông qua các sự kiện xúc tiến đầu tư, hội chợ, hội nghị, triển lãm... Các tỉnh, thành phố cũng tiếp tục duy trì các sự kiện giao lưu văn hóa kết hợp xúc tiến du lịch và hỗ trợ lẫn nhau giới thiệu, kết nối các sản phẩm du lịch. 
 
Cùng với đó, Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã triển khai một số hoạt động liên kết trên các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu - cụm công nghiệp; triển khai một số hoạt động liên kết trên các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao; trao đổi, học hỏi, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật; an toàn thực phẩm; tiêu thụ nông sản, hàng hóa; thủy lợi - phòng chống thiên tai. Ngành Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh đã phối hợp trong khảo sát, thống nhất giá đất cụ thể tại các khu vực giáp ranh. Thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Hồng với việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư 11 dự án xử lý chất thải rắn. Các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái lưu vực sông Cầu ban hành theo Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ…  
                                                                             
Các sự kiện văn hóa lớn với sự tham dự của các địa phương trong vùng tiếp tục được duy trì. Ngành Y tế Hà Nội đã tiến hành khảo sát tại các bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quốc tế Hải Phòng… trong việc xây dựng, thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Tim mạch của bệnh viện Tim Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện dự án Nored của Bộ Y tế. Tiến hành chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành cho các bệnh viện của các tỉnh trong vùng. Các tỉnh, thành phố đã tích cực hỗ trợ nhau trong công tác phòng chống dịch bệnh.
 
Khẳng định vị thế, vai trò động lực phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm 
 
Từ năm 2016 đến nay, kinh tế của Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, có đóng góp tích cực trong tăng trưởng của Vùng và cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 7,19%, cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (6,74%) và cả nước (6,7%); dự kiến, 5 năm 2016-2020 đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, GRDP năm 2018 đạt 920.272 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 117,2 triệu đồng, tương đương 5.134 USD. 6 tháng đầu năm 2019, GRDP của Hà Nội tăng 7,21%. Đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 5,4%; nhập khẩu tăng 4,6%. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 12%.
 
Mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng chiều sâu, năng suất và hiệu quả. Mức độ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) được cải thiện so với giai đoạn trước. Tính chung giai đoạn 2016-2018, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP đạt 51,9% (cao hơn so với giai đoạn trước là 31,2%), đóng góp của vốn là 44,6% và của lao động là 3,6%. Năng suất lao động tăng dần theo các năm, ước tính năm 2018, đạt 198,6 triệu đồng/lao động. Năng suất lao động bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 6,4%, cao hơn so với trung bình giai đoạn 2011-2015 (5,2%) và cùng kỳ cả nước (5,7%). 
 
Huy động được nguồn lực lớn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2018 đạt 927,88 nghìn tỷ đồng bằng khoảng 36,4% GRDP (cách tính mới), chủ yếu tập trung trong các ngành dịch vụ và công nghiệp - xây dựng (khoảng 98%). 
 
Quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Tập trung chuẩn bị tổ chức Giải đua xe Công thức 1. Đẩy mạnh ứng dụng hướng tới mục tiêu thành phố thông minh; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 đã đạt trên 62%. An sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.
 
Cải cách hành chính được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính được tăng cường. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số PCI xếp thứ 09/63. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc. Đã trình và được Bộ Chính trị thông qua Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; Công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đặc biệt, vừa qua, Hà Nội đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2; chuẩn bị kỷ niệm 20 năm được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình” và quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. 
 
Với những kết quả đó, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò động lực phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng góp quan trọng đối với kinh tế của cả nước. 
 
Hà Nội chiếm 21,2% diện tích, 41,7% về dân số, đã đóng góp 51,1% về GRDP, 54,1% về thu ngân sách, 203,% về xuất khẩu trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. So với cả nước, Hà Nội chiếm 1% diện tích, 8,29% dân số, 16,96% về GRDP, 19% về thu ngân sách, 5,68% về xuất khẩu.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t